26/11/2023 19:53
Sản xuất tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty Cổ phần Trung Sơn, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Ảnh: BÍCH LINH.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 21-9-1973. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 (Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới) đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Do đó, hai nước có rất nhiều cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nhất là trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường.
Theo ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam.
Cụ thể như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Đáng lưu ý Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.
Nhìn chung, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng gồm thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại…
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
Có thể nói, nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho Nhật Bản.
Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; 10 tháng năm 2023 đạt gần 37 tỷ USD.
Hơn nữa, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn các mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, máy vi tính và sản phẩm điện tử và linh kiện… mà Việt Nam có thế mạnh. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản xuất khẩu chủ yếu máy móc, phụ tùng, thiết bị… sang Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.
Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 5.227 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 71,41 tỷ USD (tính lũy kế đến ngày 20-10-2023). Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, với 29,3 tỷ USD; trong đó, viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỷ USD. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 150 triệu USD. Năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu 165 triệu USD, chiếm 4% thị phần rau quả.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn nhập khẩu rau quả của Nhật Bản rất cao. Chẳng hạn như hàng nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS - tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật nên kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Nhật còn thấp.
Hiện nay, một số loại hoa quả Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường Nhật như thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều, nhãn, chuối; trong đó, thanh long và chuối đang được người tiêu dùng ưu chuộng, kim ngạch cũng tăng khá hơn. Vì vậy, doanh nghiệp rau quả đã bắt đầu làm quen với thị trường Nhật Bản.
Theo ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) ở Bình Dương, mỗi tuần công ty xuất khẩu 10 container chuối, 1 container dưa lưới sang Nhật Bản. Do nhu cầu tiêu thụ chuối trên thị trường thế giới ngày càng tăng, nếu doanh nghiệp làm tốt thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, đầu tư cho sản xuất theo tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nhập chắc chắn chuối Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh và cơ hội cho xuất khẩu rất lớn.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh ổn định chất lượng sản phẩm là điều mà doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn rất yếu do quy mô sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ. Đơn cử lô hàng đầu tiên xuất khẩu do số lượng đặt hàng ít nên doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đồng đều. Đến các lô sau, khi đối tác tăng số lượng hoặc khi đã qua chính vụ, doanh nghiệp phải đi thu mua từ nhiều nông hộ khác nhau, quy trình chế biến khác nhau dẫn đến không đảm bảo tính đồng đều. Hoặc do dư lượng chất bảo vệ thực vật quá yêu cầu, khi thông quan hàng hóa cũng sẽ bị kiểm tra với tần suất cao hơn dẫn tới chi phí lưu kho, kiểm dịch bị đội lên rất nhiều, làm cho sản phẩm khó cạnh tranh…
Hơn nữa, hoa quả từ kho lạnh của nhà sản xuất, chuyển sang ô tô lạnh ra sân bay, rồi từ sân bay vào cảng đến…, tất cả đều đòi hỏi đồng bộ công nghệ bảo quản. Nếu không làm tốt, hàng hóa dễ hư hỏng, tiêu thụ kém.
Dây chuyền chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Nam, khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: AN LÂM.
Ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý không giống như Việt Nam, lạm phát tại Nhật Bản rất thấp, mục tiêu lạm phát đặt ra hàng năm chỉ khoảng 2%, thậm chí thường rơi vào giảm phát nên giá cả không đổi. Bởi vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý không tăng giá quá mạnh, tránh làm mất khả năng cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất góp phần đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và toàn cầu. Bộ trưởng đề nghị Nhật Bản phối hợp tạo thuận lợi và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, nhất là trong ngành công nghiệp trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ; chia sẻ kinh nghiệm và chính sách phát triển cho dòng phương tiện thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công thương đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án năng lượng giữa doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, hướng tới đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Nhận định về trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới, các chuyên gia thương mại dự báo việc hợp tác sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi doanh nghiệp hai bên khai thác những lợi thế, ưu đãi về thuế từ các FTA như CPTPP, RCEP… Hơn nữa, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, với lợi thế nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị - xã hội ổn định, trình độ nhân lực ngày càng cao.
Báo cáo khảo sát năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở mới, mở thêm nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Vietnam+
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: