27/10/2022 14:35
Tôi cơ bản thống nhất với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023.
Năm 2022 là năm nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và cũng như chịu nhiều tác động tiêu cực khó lường của khu vực và trên thế giới.
Song với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, nghiêm túc thực thi pháp luật và kế hoạch đã đề ra, qua đó cho thấy kinh tế - xã hội của nước ta trong năm phát họa nên một bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng đáng phấn khởi, trong khi trên thế giới vẫn trong giai đoạn kinh tế giảm tốc, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế, nhiều đối tác lớn.
Với 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nước ta đạt và vượt, mà tăng trưởng đạt khoảng 8%. Đây là kết quả nói lên nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành là đúng và kịp thời, đáp ứng cơ bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch của nước ta.
Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao sự lãnh đạo, điều hành đất nước thời gian qua của Nhà nước. Kết quả làm tăng thêm sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Tuy nhiên, xét ở góc độ đánh giá từng nhiệm vụ cụ thể, có thể thấy, vẫn còn nhiều chỉ tiêu, nhiều nhiệm vụ Chính phủ cần rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn.
Tôi xin dẫn chứng một số nhiệm vụ sau: Vấn đề giải ngân đầu tư công trong năm 2022, báo cáo của Chính phủ tiếp tục nêu kết quả đạt thấp.
Đây là một chỉ tiêu trong nhiều kỳ họp Quốc hội mà Chính phủ báo cáo không đạt kế hoạch. Mặc dù việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục đã được Quốc hội, Chính phủ thẳng thắn chỉ ra và chỉ ra nhiều lần, song kết quả mang lại, lại càng thấp hơn (số liệu này đã thể hiện trong từng báo cáo của Chính phủ tại mỗi kỳ họp Quốc hội).
Gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch được Quốc hội, Chính phủ tích cực bàn bạc, tính toán để tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế. Song, chủ trương này vẫn loay hoay mãi nên tiến độ triển khai quá chậm trong khi kế hoạch thực hiện chỉ đến cuối năm 2023.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại hội trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 27-10.
Một chính sách đã ban hành hết sức ý nghĩa nhưng con đường đưa chính sách đến người dân thụ hưởng sao quá dài. Chính sự chậm chạp này làm cho hiệu quả của chính sách giảm đi ý nghĩa quan trọng của nó, mà đây không phải là thiếu nguồn lực mà là thiếu sự hướng dẫn thực thi.
Cụ thể như chính sách cho những nơi được xác định là vùng an toàn khu, chính sách này đã ban hành nhiều năm mà người dân những nơi này vẫn chưa được tiếp cận.
Một vấn đề nữa là việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị dụng cụ, vật tư y tế để điều trị bệnh kéo dài từ đầu đại dịch đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải của ngành y tế.
Cộng thêm tình hình thôi việc, chuyển việc của đội ngũ y bác sĩ, công chức, viên chức của ngành này càng làm cho nhân dân lo lắng khi đặt vấn đề: Nếu đại dịch quay lại hoặc một đại dịch nào đó xuất hiện mà vấn đề trên vẫn chưa được khắc phục thì việc bảo vệ sức khỏe nhân dân sẽ ra sao?
Vừa rồi tình hình thiếu hụt xăng, dầu xảy ra ở nước ta, nhất là ở khu vực phía nam cho thấy sự lúng túng trong chỉ đạo, xử lý tình huống này của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước, từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với xăng, dầu đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý kịp thời sự thiếu hụt như thời gian vừa qua đã làm cho người dân, doanh nghiệp bức xúc, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Đến nay, vấn đề thiếu hụt xăng dầu vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương.
Trước nhiều tồn tại của năm 2022, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2023 tiếp tục sẽ là một năm xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cao hơn nữa và nguy cơ hơn cả năm 2022. Nhiều áp lực đè nặng lên nền kinh tế mà nước ta không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dự báo này.
Tại kỳ họp này, Chính phủ đã đưa ra một số nhóm giải pháp khắc phục nhiều vấn đề tồn tại của năm 2022 và tạo đột phá cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế năm tiếp theo.
Bản thân tôi thống nhất với nhiều nhóm giải pháp đó, song trong tổ chức thực hiện đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm và kịp thời hơn trong từng nhóm giải pháp.
Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm có nhiều giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề tôi đã nêu trên để đời sống nhân dân tiếp tục phát triển, lòng tin của nhân dân luôn vững chắc vào sự lãnh đạo, diều hành đất nước của nhà nước ta.
THANH ANH lược ghi
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: