07/07/2022 14:24
Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu Kiên Giang, đồng chí Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang chủ trì.
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 30-6-2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2021. Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,51% so đầu năm 2022 và tăng 4,09% so cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ lũy kế 709.000 tỷ đồng, tổng số tiền lãi miễn giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến nay đạt trên 50.000 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chủ động, tích cực phối hợp với bộ, ngành, ngân hàng thương mại trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP và theo thẩm quyền ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo nghị định. Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng nhà nước.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang, chiều 6-7-2022.
Thông tin về đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước trị giá 40.000 tỷ đồng, đồng chí Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết điều kiện vay là ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc 9 ngành nghề và mục đích vay vốn cũng phải thuộc 9 ngành nghề gồm hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục, đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, nhóm khách hàng thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản trên cổng thông tin điện tử của bộ) cũng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2022 đến ngày 31-12-2023, sử dụng vốn đúng mục đích, đặc biệt chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kiên Giang.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái cho rằng Nghị định 31/2022/NĐ-CP là chính sách phù hợp trong điều kiện hiện nay, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn sau dịch COVID-19, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.
Để gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng phát huy hiệu quả cao nhất, đồng chí Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN. Theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.
Đồng chí Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN. Ủy ban nhân dân các tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách; đồng thời, sớm công bố những dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: