01/12/2022 19:24
Chiều 1-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang dự.
Sau 5 năm bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, Việt Nam nỗ lực thực hiện biện pháp chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng EC. Tình hình chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 năm 2019.
Năm 2022, Việt Nam có 95,27% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định có sự cải thiện tốt hơn so với trước.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cùng với các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác IUU.
Lực lượng kiểm ngư tỉnh Kiên Giang kiểm tra tàu cá trên biển.
Đến nay cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước quốc đảo Thái Bình Dương, trong đó các địa phương làm tốt, giảm đáng kể vụ việc tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài như Phú Yên, Tiền Giang. Các tỉnh còn để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Thuận, Bình Định, Bạc Liêu…
Năm 2022, Việt Nam đã xử phạt gần 1.000 vụ vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU, với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Thực hiện việc đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa hoàn thành theo quy định. Tình trạng tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản chưa đảm bảo đủ điều kiện, không thông báo trước khi cập cảng, rời cảng, khai thác sai vùng, chất lượng nhật ký khai thác không đảm bảo vẫn tiếp tục diễn ra.
Tình trạng tàu cá mất kết nối với hệ thống giám sát hành trình, vượt ranh giới trên biển còn diễn ra phổ biến; công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỷ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp, ghi nộp nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu, chưa đồng đều giữa các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết thời gian qua, Kiên Giang đã rất quyết tâm trong triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.
Kiên Giang tổ chức nhiều hội nghị đối thoại doanh nghiệp, tuyên truyền rộng rãi đến ngư dân về các quy định chống khai thác IUU. 3 năm qua, Kiên Giang xử phạt vi phạm hành chính 61 tàu, trên 51 tỷ đồng. Tuy nhiên do số lượng tàu nhiều, vùng biển rộng lớn, việc kiểm soát tàu cá gặp nhiều khó khăn. Việc trao đổi thông tin giữa các lực lượng chưa được tốt. Ngư trường cạn kiệt, đánh bắt không hiệu quả, đa số chủ tàu đều vay nợ ngân hàng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành (đứng) phát biểu tại hội nghị.
Kiên Giang đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu. Về lâu dài, Kiên Giang đã xây dựng đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản hướng tới giảm số lượng tàu đánh bắt. Hàng năm, tỉnh trích kinh phí từ 8-10 tỷ đồng để hỗ phí chi phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình cho các chủ tàu.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chống khai thác IUU không phải là việc làm đối phó với EC mà là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, hình ảnh của quốc gia, dân tộc, thực hiện cam kết quốc tế cùng với các nước khác bảo vệ môi trường biển.
Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tôn giáo cùng vào cuộc để tuyên truyền một cách sâu rộng đến người dân nhằm nâng cao nhân thức không vi phạm các hành vi khai thác IUU.
Các địa phương rà soát, có chính sách chuyển đổi ngành nghề phù hợp cho ngư dân, giúp người dân có việc làm ổn định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét xử lý vấn đề khoanh nợ, giãn nợ chia sẻ với ngư dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế để siết chặt công tác quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chống khai thác IUU; khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết triệt để hạn chế về chống khai thác IUU….
Tin và ảnh: THUỲ TRANG
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: