04/08/2021 09:02
- Phóng viên: Ông có thể cho biết, việc phân tầng trong hệ thống điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 có ý nghĩa như thế nào đối với công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân cũng như đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19?
- Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tại Việt Nam, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 được thực hiện theo hệ thống phân tầng, với mục tiêu chia nhóm nguy cơ của người bệnh và những yêu cầu điều trị, can thiệp điều trị cho người bệnh để phân bố nguồn lực phù hợp.
Hiện nay, Bộ Y tế đang chia hệ thống điều trị thành 3 tầng: Tầng 1 là các cơ sở thu dung điều trị ban đầu. Tầng 2 nơi thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… Tầng 3 là tầng điều trị cho các diễn biến nặng cần các chăm sóc, can thiệp, điều trị chuyên sâu hơn.
Với mỗi tầng như vậy chúng ta cũng sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để nâng cao hiệu quả điều trị. Như tại tầng 1 sẽ được bố trí lực lượng nhân viên, trang thiết bị phù hợp, không nhất thiết phải có các hệ thống hỗ trợ hô hấp chuyên sâu, hồi sức nặng. Ngược lại, tại tầng 3 sẽ là các trung tâm hồi sức tích cực được trang bị đầy đủ các trang bị hiện đại như ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, hệ thống thở ôxy… cũng như đội ngũ y, bác sĩ chuyên sâu, đặc biệt là trong lĩnh vực hồi sức tích cực để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Việc phân tầng vừa đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp với nhu cầu điều trị của bệnh nhân đồng thời tối ưu hóa nguồn lực điều trị.
Các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
- Phóng viên: Thưa ông, vậy làm sao biết bệnh nhân nào phù hợp với tầng điều trị nào để có sự lựa chọn, điều phối hợp lý?
- Ông Nguyễn Trọng Khoa: Với vấn đề này Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn điều trị và gần đây nhất là Văn bản số 3646/QĐ-BYT được ban hành ngày 31-7-2021 về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.
Người bệnh được chia làm 4 mức độ: Màu xanh - mức độ nguy cơ thấp gồm: Bệnh nhân < 45 tuổi, không mắc bệnh lý nền (theo danh sách); đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày; sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường SpO2 từ 97% trở lên.
Màu vàng - mức độ nguy cơ trung bình: Tuổi từ 46-64 không mắc bệnh lý nền (theo danh sách); sức khỏe có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,50C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực… SpO2 từ 95%-96%; tuổi ≤ 45 tuổi và mắc một trong các bệnh lý nền (theo danh sách).
Màu cam - mức độ nguy cơ cao: Tuổi từ 65 tuổi trở lên và không mắc bệnh lý nền (theo danh sách); phụ nữ có thai; trẻ em dưới 5 tuổi; SpO2 từ 93%-94%.
Màu đỏ - mức độ nguy cơ rất cao: Tuổi từ 65 tuổi trở lên và mắc một trong các bệnh lý nền (theo danh sách); người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu; SpO2 từ 92% trở xuống; người bệnh đang có tình trạng thở máy đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.
- Phóng viên: Với việc đánh giá mức độ, tình trạng của các bệnh nhân sẽ do ai thực hiện, thưa ông?
- Ông Nguyễn Trọng Khoa: Công tác đánh giá mức độ nguy cơ này được thực hiện bởi nhân viên y tế và cả bản thân người bệnh. Đơn cử như đối với người bệnh có độ dưới 45 tuổi, không có bệnh nền thì sẽ được xếp vào nhóm nguy cơ thấp, tuy nhiên cũng không thể chủ quan, cần chủ động tự theo dõi sức khỏe khi có dấu hiệu chuyển nặng cần báo ngay cho nhân viên y tế. Đối với nhân viên y tế sẽ dựa trên việc đánh giá mức độ nguy cơ của người bệnh sẽ tiến hành hướng dẫn, điều phối để đưa người bệnh đến các cơ sở y tế trên địa bàn phù hợp với mức độ nguy cơ của người bệnh.
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
Nguồn: VietnamPlus
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: