05/08/2022 15:07
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt ngày 28-7-2021. Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó khoảng 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so năm 2020.
Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó có ít nhất 20% huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có từ 17-19 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 60% số thôn, ấp, làng, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
So với giai đoạn 2016-2020, chương trình giai đoạn 2021-2025 bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, huyện; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới các cấp theo các mức độ được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể, triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 phù hợp điều kiện thực tế.
Đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp mở rộng tại xã nông thôn mới Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang).
Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho chương trình giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng. Trung ương phân bổ cho 51 tỉnh, thành phố 32.900 tỷ đồng; phân bổ cho bộ, cơ quan Trung ương thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai nội dung thành phần của chương trình 594 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến dành 2.050 tỷ đồng để bố trí thực hiện chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn; dành 3.446 tỷ đồng phân bổ cho 6 chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành; bố trí 642 tỷ đồng hỗ trợ địa phương thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trưởng ban chỉ đạo.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến thời điểm này, tất cả văn bản bao gồm nghị quyết, quyết định, thông tư, hướng dẫn đã được hoàn thiện đủ điều kiện để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên với số lượng văn bản rất nhiều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng lắng nghe, kịp thời phản hồi một cách nhanh nhất để không làm ách tắc quá trình triển khai tại các địa phương.
Chắc chắn rằng, nguồn vốn đầu tư kể cả vốn sự nghiệp sẽ không đủ để đạt được mục tiêu của chương trình vừa có chiều rộng vừa có chiều sâu, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng vừa phát triển kinh tế kết hợp văn hóa, xã hội ở nông thôn. Vì vậy, ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép với nguồn tại địa phương, kết hợp kêu gọi xã hội hóa vừa thu hút doanh nghiệp phát triển nông thôn vừa tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngay tại địa phương. Mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch để thu hút các nguồn lực, đồng hành hỗ trợ sát sao cấp cơ sở.
Đồng chí Lê Minh Hoan mong muốn các địa phương sẽ có sáng kiến sau khi kết thúc chương trình có thể tự hào giới thiệu với cả nước, thậm chí cả thế giới hình ảnh một di sản nông thôn trên địa bàn, địa phương mình hơn hẳn so với những nơi khác. Đồng chí đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giải thưởng hàng năm về quy hoạch và kiến trúc cảnh quan nông thôn thời gian tới.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: