30/06/2022 17:44
Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Kiên Giang có các đồng chí: Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức và chuyển tiếp hội nghị đến các huyện ủy, thành ủy.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, tăng 16.100 đảng viên so 10 năm trước, trong đó hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 3 ủy viên Bộ Chính trị và 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sĩ quan cấp tướng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, sáng 30-6.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập.
10 năm qua (2012-2022), các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ khi thành lập đến nay, đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ, trong đó ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc.
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, cả khu vực công và khu vực tư được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi, xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ sai phạm liên quan các vụ án…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Thứ nhất, công tác phòng, chống tham nhũng phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để không thể tham nhũng, tiêu cực. Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, sáng 30-6.
Thứ ba, về công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần tăng cường hơn nữa, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêmvề các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa.
Thứ năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội…
Tin và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: