07/04/2024 15:22
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang bị sụt lún do hạn hán.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời thăm hỏi đến nhân dân các địa phương vùng ảnh hưởng mặn xâm nhập tại đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với đồng bằng sông Cửu Long nắng nóng, khô hạn, mặn xâm nhập hay ngập lụt là câu chuyện của đồng bằng, người dân đã thích nghi, chung sống hòa thuận với biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, thời tiết cực đoan.
Bằng những giải pháp đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, giải pháp phi công trình, đặc biệt sự chủ động cung cấp đầy đủ các thông tin chính xác về dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn, sự điều hành sản xuất mùa vụ, các địa phương đã kiểm soát hạn, mặn một cách hiệu quả, không để xảy ra thiệt hại về sản xuất.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập hiệu quả. Nhiều địa phương đã có sáng kiến, kinh nghiệm rất hay trong việc ứng phó với hạn, mặn.
Về lâu dài, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thủy lợi đồng bộ, khép kín cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực phòng, chống hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập.
Đồng thời, các địa phương phải chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch thích ứng bài bản hơn, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Hiện nay tình trạng sạt lở, sụt lún diễn ra tại các địa phương do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư chưa hợp lý. Các tỉnh cần xem xét rà soát lại trong các quy hoạch hạ tầng giao thông, bố trí dân cư, tính toán đến các vấn đề liên quan hạ thấp mực nước gây sụt lún.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và các địa phương có liên quan đánh giá lại hiện trạng khai thác nước ngầm, đánh giá lại sự phù hợp khi bố trí quy hoạch liên quan đến dân cư, đường giao thông. Đối với những khu vực nhận thấy trọng yếu cần thiết, các tỉnh cần có những dự án xây dựng những công trình kè đảm bảo an toàn.
Để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân, các địa phương đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung đối với những vùng duyên hải ven biển ảnh hưởng mặn, vùng dân cư phân tán, khó khăn về nước sinh hoạt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác dự báo khí tượng, thủy văn, đặc biệt là dự báo mưa, thường xuyên cung cấp thông tin cho các địa phương, cơ quan có liên quan để làm cơ sở thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn hán, mặn xâm nhập; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Nhà hộ dân tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do sụt lún đất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô đến nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm mặn xâm nhập lịch sử 2015-2016, 2019-2020. Thời điểm mặn xâm nhập bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12 -2023, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng, nhưng muộn hơn mùa khô năm 2015-2016.
Theo đó, ước tính có khoảng 56.260ha lúa đông xuân và 43.300ha cây ăn trái tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập. Các tỉnh trong vùng ảnh hưởng hạn, mặn đẩy sớm lịch thời vụ, hiện phần lớn diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín, đảm bảo không bị thiệt hại; các vùng cây ăn trái vẫn được đảm bảo an toàn.
Tính đến ngày 6-4, các trà lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch trên 1,3 triệu ha, đạt 87,6% diện tích gieo sạ. Diện tích chưa thu hoạch còn khoảng 183.881ha.
Về nước sinh hoạt nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại các tỉnh Tiền Giang 8.800 hộ, Long An 4.900 hộ, Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.900 hộ, Kiên Giang 20.000 hộ, Cà Mau 3.900 hộ.
Các tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước; thiết lập các điểm cấp nước công cộng; tổ chức cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống, khoan bổ sung giếng khai thác hoặc sử dụng các giếng sẵn có nhưng tạm chưa khai thác; sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết tại Kiên Giang đến thời điểm này tỉnh đã thu hoạch dứt điểm 280.218ha lúa đông xuân, lúa trên nền đất nuôi tôm đã thu hoạch xong 72.000ha, không có thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Tỉnh có 4 hồ tại các đảo, 58 trạm cấp nước nông thôn đủ khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đến hết mùa khô.
Tuy nhiên, hạn hán đã làm sụt lún, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường giao thông trong vùng đệm U Minh Thượng. Tổng số điểm sạt lở, sụt lún là 323 điểm, chiều dài 8.713m (tuyến đường tỉnh 965 có 36 điểm sạt lở, chiều dài 760m; đường giao thông nông thôn có 287 điểm, chiều dài 7.953m); làm sập 26 căn nhà của người dân. Ước tổng thiệt hại đến ngày 6-4 là 88,685 tỷ đồng.
Huyện U Minh Thượng đã thống kê có tổng số 434 căn nhà cất ven kênh, trong đó có 54 căn có nguy cơ tiếp tục sụp đổ cao. Chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di dời.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện các vùng cửa sông Cửu Long, mặn xâm nhập có khả năng đã qua đỉnh cao nhất của mùa khô, dự báo các đợt mặn xâm nhập thời gian tới xuất hiện ở mức thấp hơn ngày 10-3-2024, nhưng vẫn duy trì ở mức tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4-2024. Các đợt mặn xâm nhập cao dự kiến xuất hiện vào các ngày 7 đến 11-4 và 23 đến 27-4.
Tin và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Sáng ngày 21-11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy U Minh Thượng, nghe báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng đầu năm và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025-2030.
Tổng số lượt truy cập: