16/12/2022 16:21
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu khai mạc hội thảo.
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho rằng, trải qua quá trình hình thành và phát triển, sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc hiện không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, được 28 nước liên minh châu Âu bảo hộ xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý.
Mới đây, nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng để nước mắm truyền thống Phú Quốc tiếp tục phát triển thương hiệu đến các thị trường trong và ngoài nước.
Theo đồng chí Nguyễn Lưu Trung, bên cạnh thành quả đạt được, hiện nghề làm nước mắm và sản phẩm nước mắm đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nguyên liệu cá cơm suy giảm, chi phí sản xuất tăng, tình trạng giả mạo thương hiệu. Nước mắm truyền thống chịu sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm nước mắm công nghiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các nhà thùng.
Nhằm tiếp tục giữ gìn nghề làm nước mắm và sản phẩm nước mắm Phú Quốc, tại hội thảo, Kiên Giang mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu để góp phần thực hiện những hoạch định chiến lược hiệu quả thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Giáo - chủ nhà thùng nước mắm Phúc Hưng, TP. Phú Quốc phát biểu tại hội thảo, sáng 16-12.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam đề xuất: “Để phát triển bền vững nghề và sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc, các cơ quan nhà nước cần vào cuộc thanh tra, xử lý các vi phạm về sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc. Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc hướng dẫn hội viên nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì, ghi nhãn; thay đổi cách xúc tiến thương mại, bán hàng để tiêu thụ sản phẩm…”.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang Nguyễn Ngọc Thơ đề xuất cơ quan quản lý nhà nước nâng cao công tác tuyên truyền, giúp người dân phân biệt sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; cung cấp địa chỉ tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các đại biểu thảo luận xoay quanh các biện pháp khai thác đảm bảo nguồn lợi cá cơm nguyên liệu sản xuất nước mắm; xây dựng phát triển làng nghề sản xuất nước mắm; việc đóng chai, ghi nhãn đảm bảo đúng quy định phù hợp; việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm TCVN 5107:2018, tiến tới việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho sản phẩm nước mắm có xuất xứ hàng hóa - chỉ dẫn địa lý Phú Quốc; biện pháp xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc trong và ngoài nước…
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang Lương Thanh Hải phát biểu tại hội thảo, sáng 16-12.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang Lương Thanh Hải cho biết, sau hội thảo, liên hiệp sẽ có báo cáo gởi Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, Thường trực UBND TP. Phú Quốc, các sở, ngành chức năng hữu quan và Thường trực UBND tỉnh về hiện trạng, hạn chế, nguyên nhân, định hướng và biện pháp trong thời gian tới cùng những đề xuất kiến nghị để tỉnh Kiên Giang từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc vươn xa ra thị trường trong nước và thế giới.
Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc Phạm Văn Nghiệp cho biết, đến nay nước mắm Phú Quốc vẫn giữ được màu sắc và hương vị đậm đà quê nhà mà không nơi nào có được. Địa phương tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm hoạt động, kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động để duy trì, phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc. UBND TP. Phú Quốc đề nghị các cơ sở làm nước mắm ở địa phương tiếp tục duy trì làm nghề, giữ ổn định chất lượng nước mắm theo quy định, tăng cường quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ để sản phẩm lan tỏa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. |
TRUNG HIẾU - TÂY HỒ
(KGO) - Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đang được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ và hướng đi đúng đắn. Những nỗ lực này đã mang lại chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Kết quả đạt được đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định cam kết bảo vệ lợi ích chung và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Tổng số lượt truy cập: