20/08/2024 06:30
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại TP. Hà Nội kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trên cả nước; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình (bàn chủ tọa, bên phải) chủ trì hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại điểm cầu tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục và đào tạo thực hiện hoàn thành kế hoạch năm học, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.
Năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo xác định chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” với 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục…
Nhà giáo ưu tú Quách Thục Quyên - giáo viên tin học, Trường Trung học phổ thông Sóc Sơn, Hòn Đất (Kiên Giang) trong giờ dạy học sinh lớp 10A2, năm học 2023-2024.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương, chúc mừng những kết quả quan trọng ngành giáo dục và đào tạo đạt được năm học 2023-2024, góp phần vào thành tích chung của Đảng, Nhà nước thời gian qua.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành giáo dục và đào tạo chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới 2024-2025; tổ chức tốt lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới.
Ngành giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tập trung triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đảm bảo hiệu quả thiết thực. Tiếp tục rà soát bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế chính sách về đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo, xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, các quy hoạch giáo dục và đào tạo. Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ, cơ quan địa phương chuẩn bị kỹ để tổ chức kỳ thi đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực và chi phí, tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh.
Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thực hành tin học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học; tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đội ngũ giáo viên phù hợp, hài hòa với tổng thể, bối cảnh của đất nước, phù hợp các ngành, nghề khác...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo phải được quan tâm đúng mức, tạo động lực, tạo nguồn lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục và đào tạo nghiên cứu, tổ chức thực hiện phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể; thầy, cô giáo làm động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình làm điểm tựa; xã hội làm nền tảng”…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định.
Các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp; đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tin và ảnh: BÍCH TUYỀN
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: