26/04/2024 07:56
KẾT HỢP CHẶT CHẼ GIỮA HẬU CẦN QUÂN ĐỘI VỚI HẬU CẦN NHÂN DÂN, HẬU CẦN TẠI CHỖ
Bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trên địa bàn xa hậu phương 500-700km, tuyến vận chuyển dài, địa hình phức tạp, hiểm trở, thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, thử thách lớn đối với quân và dân ta. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, lực lượng tăng thêm, thời gian hoạt động kéo dài, bộ đội tác chiến liên tục, nhu cầu vật chất tăng lên rất nhiều, để chủ động vượt qua khó khăn, hậu cần phải tính toán lại kế hoạch, xác định nhu cầu vật chất bảo đảm cho độ đội đánh lâu dài.
Trước nhu cầu to lớn và khẩn trương của chiến dịch, Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ thị tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến để bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trực tiếp xuống các liên khu, các tỉnh để kiểm tra, đôn đốc việc huy động nhân lực, vật lực. Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính tổ chức động viên nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến, nhờ đó, đã huy động được số lượng lớn sức người, sức của tại chỗ và từ Liên khu 3, 4, Liên khu Việt Bắc. Trong chiến dịch, ngành hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó lực lượng chiến đấu là 53.830 người; cứu chữa gần 8.500 thương binh, bệnh binh; khối lượng vật chất bảo đảm lên tới hơn 20.000 tấn; huy động hơn 261.000 dân công với tổng số 12 triệu ngày công (tuyến chiến dịch sử dụng 3 triệu ngày công).
Các chiến sĩ quân y, quân dược dùng xe đạp thồ đưa thuốc men ra mặt trận. Ảnh tư liệu
TỔ CHỨC, BỐ TRÍ TẠO LẬP THẾ TRẬN HẬU CẦN LIÊN HOÀN, VỮNG CHẮC
Thực hiện Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, hướng chính là Tây Bắc, Tổng cục Cung cấp tiến hành điều chỉnh, dồn các cơ sở, kho tàng và các binh trạm vận tải của Tổng cục các nơi về tập trung, hình thành 5 khu vực hậu cần chiến lược. Căn cứ trung tâm ở khu vực Bắc Kạn-Thái Nguyên, các căn cứ còn lại bố trí trên các hướng chiến trường. Trên hướng chính Tây Bắc bố trí hai căn cứ: Căn cứ thứ nhất ở khu vực Tuyên Quang-Phú Thọ-Yên Bái, bảo đảm cho hướng Tây Bắc theo Đường 13; căn cứ thứ hai ở khu vực Hòa Bình-Ninh Bình-Thanh Hóa, vừa bảo đảm cho hướng đồng bằng và tiếp chuyển cho hướng Liên khu 4, vừa có thể bảo đảm cho hướng Tây Bắc theo Đường 41 đi lên.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của chiến dịch, ngay sau khi Bộ chỉ huy chiến dịch thành lập, Tổng cục Cung cấp quyết định tổ chức hậu cần thành hai tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp phối hợp với Hội đồng Cung cấp Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và Liên khu 4 đảm nhiệm; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tại tiền phương phối hợp với Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm. Tuyến hậu cần chiến dịch dài hơn 350km, ban đầu tổ chức thành 4 binh trạm, mỗi binh trạm có lực lượng vận tải, quân y, kho... vừa bảo đảm cho bộ đội hành quân, vừa chuyển vật chất lên tuyến trước. Nhằm tập trung lực lượng, tăng cường khả năng bảo đảm cho phía trước, Tổng Quân ủy cử đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy Hậu cần chiến dịch và bổ sung hơn 300 cán bộ cho Tổng cục Cung cấp tại tiền phương. Cục trưởng các ngành thuộc Tổng cục Cung cấp trực tiếp phụ trách các ngành thuộc hậu cần chiến dịch. Đồng thời, tuyến hậu phương dịch chuyển từ Ba Khe, Suối Rút lên Sơn La; tuyến tiền phương bố trí từ Sơn La lên Điện Biên Phủ và chuyển các binh trạm thành 3 tuyến hậu cần chiến dịch có sự chỉ huy thống nhất. Ngoài ra, Tổng cục Cung cấp tại tiền phương còn tổ chức tuyến Mường Luân-Nà Sang để khai thác, vận chuyển gạo ở vùng thượng nguồn sông Mã về phía Nam Điện Biên Phủ; đồng thời, tổ chức tuyến Ba Nậm Cúm-Lai Châu sử dụng thuyền, mảng theo sông Nậm Na chuyển 1.700 tấn gạo về Lai Châu và Điện Biên Phủ.
Quân y chiến dịch tổ chức 3 đội điều trị ở ngay sau đội điều trị của các đại đoàn; tuyến hậu cần chiến thuật được tổ chức ở cấp đại đoàn và trung đoàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hậu cần chiến dịch đã kết hợp chặt chẽ các lực lượng triển khai trên các hướng tạo nên thế bố trí liên hoàn, vững chắc, hợp lý, bảo đảm cho các lực lượng tác chiến giành thắng lợi.
CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY, ĐIỀU HÀNH HẬU CẦN CHIẾN DỊCH CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT, SÁNG TẠO
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu cần chiến dịch đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức chỉ huy, chỉ đạo, điều hành công tác hậu cần. Đồng thời, đề ra nhiều chủ trương, phương châm, biện pháp linh hoạt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm được khối lượng vật chất to lớn phục vụ chiến dịch. Từ chuẩn bị bảo đảm cho bộ đội vận động công kiên chuyển sang bảo đảm cho bộ đội đào công sự trận địa và chiến đấu trong công sự trận địa; từ chuẩn bị cho bộ đội đánh nhanh, chuyển sang chuẩn bị bảo đảm cho bộ đội đánh lâu dài, liên tục... Hậu cần đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho bộ đội tác chiến theo phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.
Đoàn ngựa thồ hàng hóa trên đường ra chiến dịch.
Bảo đảm cho kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, hậu cần tổ chức chuẩn bị trực tiếp với thời gian hơn một tháng, tập trung điều chỉnh, tổ chức bố trí hậu cần thành tuyến trước, tuyến sau; tổ chức mạng đường và lực lượng vận tải; tổ chức huy động khai thác, vận chuyển vật chất từ tuyến sau ra tuyến trước.
Đến ngày 25-1-1954, việc chuẩn bị hậu cần đã căn bản hoàn thành. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ tình hình, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định hoãn tiến công, kéo pháo ra, tiếp tục chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Lúc này, ngành hậu cần lại dồn sức vào chuẩn bị theo những yêu cầu mới. Đồng thời, đề xuất với cấp trên và Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương chủ trương huy động nhân lực, vật lực tại chỗ ở Tây Bắc và đẩy mạnh chi viện từ hậu phương lên mặt trận; tiến hành điều chỉnh bố trí các tuyến hậu cần từ hậu phương vươn lên tiếp cận phía trước; tăng cường tổ chức vận tải, đề xuất tranh thủ vận tải thô sơ thủy, bộ bằng nhiều loại phương tiện, từ nhiều hướng tới Điện Biên Phủ.
Khó khăn lớn nhất của hậu cần trong chiến dịch này là phải vận chuyển từ xa đến, qua nhiều địa hình phức tạp, địch đánh phá rất ác liệt. Để giải quyết vấn đề vận tải, Tổng cục Cung cấp đề ra phương châm “Lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ", tranh thủ thời gian để có dự trữ. Do khối lượng vật chất chuyển lên mặt trận rất lớn nên toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải gồm 534 xe của Tổng cục Cung cấp đã được sử dụng (tuyến chiến dịch sử dụng 9 đại đội), có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các đơn vị pháo binh và phòng không. Phong trào thi đua “Vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt” phát triển sâu rộng trong các đơn vị vận tải. Bên cạnh đó, hậu cần đã sử dụng 11.600 bè, mảng và hơn 20.000 xe đạp thồ tham gia phục vụ chiến dịch.
Việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày ở chiến trường rừng núi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, xa hậu phương, điều kiện cấp dưỡng rất khó khăn là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành hậu cần. Trong giai đoạn chuẩn bị, Tổng Quân ủy yêu cầu phải bảo vệ sức khỏe cho bộ đội tham gia chiến dịch và tự cải thiện đời sống. Tổng cục Cung cấp chủ trương hướng vào hỏa tuyến, hướng vào tác chiến, đi sâu đi sát xuống tận đại đội và chiến sĩ; xây dựng tác phong khẩn trương, cơ động, linh hoạt, cụ thể, chính xác; thực hiện bình thường hóa sinh hoạt và đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh.
Theo đó, nhiều biện pháp, sáng kiến đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, như: Chế biến các loại thực phẩm khô (vừng, đỗ, lạc), ướp muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận. Hậu cần Đại đoàn 316 đưa nhiều đàn bò từ Thanh Hóa lên Điện Biên Phủ. Hậu cần Đại đoàn 351 cung cấp hàng chục tấn thịt ướp muối cho các đơn vị. Hậu cần Đại đoàn 312 tổ chức đội xe thồ 100 chiếc chuyên vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận. Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ được 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt được 32 tấn cá... Hậu cần các trung đoàn cử các tổ tiếp phẩm vào bản người Thái, người Mông mua rau xanh.
Từ đợt 2 chiến dịch, đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, đào bếp Hoàng Cầm ngay tại trận địa, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, củi khô, nước... đào giếng tại trận địa; các hầm, công sự đều có nhà vệ sinh, bộ đội được luân phiên tắm giặt, nhờ đó sức khỏe bộ đội được hồi phục. Trong chiến dịch, do tác chiến liên tục, ác liệt nên thương binh, bệnh binh tăng gấp đôi so với dự kiến. Ngành quân y đã huy động toàn bộ lực lượng 7 đội điều trị của Cục Quân y và 4 đội điều trị của đại đoàn, huy động cả giáo viên, sinh viên trường y phục vụ mặt trận. Các bác sĩ nổi tiếng như Vũ Đình Tụng, Tôn Thất Tùng cũng tham gia chiến dịch, trực tiếp cứu chữa thương binh ở bệnh viện mặt trận...
Trung tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
(KGO) - Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 22-11, một người dân sống tại đường Mạc Cửu, khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phát hiện một thi thể nam giới nổi trên mặt nước tại khu vực kênh gần nhà nên báo cơ quan chức năng.
Tổng số lượt truy cập: