02/09/2023 18:17
Đúng 8 giờ sáng 27-8-1945, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt, hàng ngàn quần chúng ở hai xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong từ trong các kênh kéo ra phối hợp với thanh niên tiền phong ở chợ Chắc Băng (Vĩnh Thuận) biểu tình; tay cầm cờ đỏ sao vàng, băng rôn, tầm vông vạt nhọn… với khí thế hừng hực, rầm rộ chưa từng có. Quần chúng hô khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Mặt trận Việt Minh muôn năm!”…
Đoàn người kéo đến Nhà Việc giải tán tề, bắt họ phải giao nộp giấy tờ, mộc triện, đồng thời tuyên bố kể từ nay chính quyền đã về tay nhân dân. Các đồng chí Đỗ Đăng Khuê, Trần Văn Phước, Nguyễn Phú Mỹ trực tiếp gặp tên Hai Trạng, chỉ huy đội bảo an của Nhật kêu gọi đầu hàng cách mạng.
Trước lực lượng chính trị mạnh mẽ của quần chúng, bọn tề, lính bảo an Nhật không dám chống cự. Cuộc khởi nghĩa của quần chúng Vĩnh Thuận đã giành thắng lợi.
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thắng lợi vẻ vang. Nhân dân Vĩnh Thuận cùng với nhân dân khắp nơi trong cả nước đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của dân tộc.
Sau khi giành được chính quyền thắng lợi, nhân dân Vĩnh Thuận hết sức phấn khởi, tự hào vì thực sự đã được đổi đời, từ thân phận của người nô lệ giờ đây làm chủ vận mệnh cuộc đời mình. Từ đó, lòng yêu nước, hành động cách mạng tiếp tục dâng cao; tích cực tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, ra sức chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận vừa tổ chức đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện vừa lãnh đạo quân dân ra sức bảo vệ, xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt; quan tâm bồi dưỡng sức dân trở thành hậu phương, căn cứ vững chắc đảm bảo lâu dài cho kháng chiến.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Thuận là một huyện vùng căn cứ cách mạng, là huyện trọng điểm bị đánh phá, lấn chiếm của địch. Đồng thời kẻ thù đã tập trung vơ vét, phá hoại nhân tài, vật lực nơi đây để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược.
Chúng tập trung lực lượng đông và mạnh như quân bảo an, dân vệ, địa phương, chủ lực (Sư đoàn 9, Sư đoàn 21)…; tăng cường bộ máy kềm kẹp, bọn biệt khu U Minh, tình báo, công an, gián điệp, tâm lý chiến, sử dụng bọn địa chủ, lưu manh phản động ác ôn, bọn đầu hàng phản bội.
Hơn thế nữa, chúng còn sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại và các chiến thuật như trực thăng vận (nhảy dù, đổ quân), pháo đài bay B.52, thiết xa vận, hạm đội nhỏ trên sông…đánh phá, rải chất độc hóa học để phá hoại địa hình, tiêu diệt cán bộ và nhân dân ta. Chúng mở hàng ngàn cuộc càn quét đánh phá và mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” để quyết giành dân, giành đất với ta.
Song quân và dân huyện Vĩnh Thuận vẫn kiên cường bám trụ quyết chiến, quyết thắng với kẻ thù. Quân và dân Vĩnh Thuận đã đánh 670 trận, diệt và làm bị thương hơn 4.000 tên địch, trong đó có 15 cố vấn Mỹ, bắt sống trên 1.000 và làm rã ngũ 2.000 binh sĩ, thu trên 1.000 súng, bắn rơi 16 máy bay, bắn hư 6 chiếc khác, diệt 9 xe bọc thép M113.
Đảng bộ và quân dân huyện Vĩnh Thuận đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha anh; một lòng tin tưởng theo Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Quân và dân Vĩnh Thuận đã đoàn kết viết nên những trang sử hào hùng bằng xương máu, bằng mồ hôi và nước mắt.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân chịu biết bao cực hình tra tấn và hy sinh ở các nhà tù của thực dân, đế quốc. Đặc biệt hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã bị tra tấn, sát hại tại nhà giam đặc khu An Phước - rừng tràm Bang Biện Phú.
Vĩnh Thuận đã hiến dâng cho Tổ quốc 2.073 liệt sĩ, trong đó có 43 nữ; trên 4.000 cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, du kích và người dân bị địch bắt tù đày, tra tấn tàn phế, nhiều người đã hy sinh, có 987 thương bệnh binh; trên 12.000 nam, nữ thanh niên đi chiến đấu ở địa phương và khắp các chiến trường, có 62 gia đình từ 2 đến 5 con là liệt sĩ; có những gia đình tiễn đưa đứa con thân yêu duy nhất hoặc người con cuối cùng lên đường đi bộ đội chiến đấu, có gia đình có hai thế hệ là bộ đội đánh Pháp, chống Mỹ.
Với những thành tích và chiến công đó, huyện Vĩnh Thuận đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong được phong tặng xã anh hùng. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Thuận được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng.
Đồng chí Lê Trung Hồ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận thăm mô hình trồng dưa hoàng kim của người dân ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc.
Kế thừa những thành quả cách mạng của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thuận ra sức nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân ngày một tốt hơn. Đến nay, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. An toàn, an ninh chính trị, trật tự xã hội luôn được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn đạt trong sạch, vững mạnh.
Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), mỗi người chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc và thành quả to lớn mà Cách mạng Tháng Tám đã mang lại. Vì vậy, chúng ta cần phát huy những giá trị, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời ra sức xây dựng quê hương Vĩnh Thuận ngày càng đổi mới, phồn vinh, hạnh phúc.
Thạc sĩ VÕ THANH XUÂN
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận)
(KGO) - Ngày 25-11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học “Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả”.
Tổng số lượt truy cập: