24/01/2023 19:19
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023, thời tiết se lạnh, sáng sớm có sương mù, nắng yếu, đặc biệt là xuất hiện mưa trái mùa, đây là điều kiện thuận lợi cho dịch hại phát sinh trên cây lúa. Đặc biệt là muỗi hành có khả năng phát sinh và gây hại trên các giống lúa thơm, các trà lúa gieo sạ muộn cuối tháng 12 - 2022 đến tháng 1 - 2023. Các bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt sẽ tiếp tục phát triển và gây hại đối với các trà lúa đang giai đoạn trổ bông, do ảnh hưởng của thời tiết độ ẩm cao.
Tính đến nay, vụ lúa đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh đã gieo sạ 280.783 ha, đạt 99,92% kế hoạch. Vụ đông xuân được xem là vụ sản xuất chính trong năm, bà con nông dân rất quan tâm đến việc chăm sóc và phòng trừ dịch hại để lúa phát triển tốt, cho năng suất và lợi nhuận cao khi thu hoạch.
Theo đánh giá cùa nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện tại các trà lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời gian nghỉ tết dài ngày, tình hình dịch hại, sâu bệnh trên đồng ruộng vẫn xuất hiện, ảnh hưởng đến sản xuất của nhà nông.
Nông dân xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) ra đồng bón phân cho lúa trong những ngày tết.
Trên nhiều cánh đồng, từ sáng sớm mùng 2 tết, bà con nông dân đã ra thăm đồng đầu năm mới. Trước là xem tình hình sâu bệnh hại lúa để kịp thời có biện pháp phòng trị bệnh, sau là mong một vụ mùa mưa thuận, gió hòa, được mùa, trúng giá.
Ông Nguyễn Thanh Hồng ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyên Hòn Đất chia sẻ: “Năm nay tôi sạ 10ha lúa Nhật theo phương pháp sạ cụm, nhằm giảm chi phí giống, lượng phân bón, cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, ít sâu bệnh. Dù trong thời gian ăn tết, tôi vẫn đi thăm đồng hàng ngày. Chứ ăn tết 3-4 ngày liền, bỏ ruộng đồng thì không yên tâm, lỡ có dịch hại tấn công sẽ tốn nhiều chi phí điều trị, lại còn ảnh hưởng đến năng suất”.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất thăm đồng ngày tết.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Sáu, ngụ ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyên Hòn Đất cho biết: “Vụ đông xuân này tôi gieo sạ khoảng 3ha, ngày 29 tết tôi đã tranh thủ bón phân đợt 2 rồi mới yên tâm ăn tết. Nông dân chỉ có nguồn thu nhập chính từ cây lúa, nên vui xuân nhưng gia đình tôi vẫn không quên quan tâm chăm sóc lúa. Tôi hy vọng năm nay sẽ có vụ mùa đạt năng suất cao, bán được giá”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, để tăng cường bảo vệ tốt vụ lúa mùa và đông xuân 2022-2023, bà con nông dân cần tăng cường thăm đồng nhằm sớm phát dịch hại để phòng trị kịp thời; quản lý tốt dịch hại bằng các biện pháp 3 giảm, 3 tăng; phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, không phun thuốc với mục đích phòng ngừa để yên tâm ăn tết và không bón thừa phân đạm.
Hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp Đài Khí tượng và Thủy văn Kiên Giang dự báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn; vận hành đóng, mở hệ thống cống trên các tuyến đê biển hợp lý để ngăn mặn, giữ ngọt theo từng khu vực.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang đang tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, tập trung lực lượng cán bộ kỹ thuật nắm chắc diễn biến tình hình dịch hại; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, bảo vệ sản xuất, giúp nông dân có vụ mùa bội thu.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chi cục Dân số là cơ quan hành chính trực thuộc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, với chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và triển khai các hoạt động chuyên môn về dân số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đơn vị này chịu sự chỉ đạo chuyên môn từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế.
Tổng số lượt truy cập: