21/04/2024 11:40
Đắp đập ngăn mặn tại vàm kênh Lầu, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN
Nhận định về xu thế mặn xâm nhập ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 21 đến 30-4, Trưởng Phòng Dự báo Thủy văn Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết mặn xâm nhập ở khu vực trên có xu thế tăng dần vào cuối tuần.
Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4-2023.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 90-120km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 40-50km; sông Hàm Luông là 50-55km; sông Cổ Chiên là 40-45km; sông Hậu là 40-50km; sông Cái Lớn là 45-55km.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo mặn xâm nhập tại đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Mặn xâm nhập ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trên các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé mặn xâm nhập vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5.
Tình hình mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng, thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống mặn xâm nhập. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long cấp 2.
Độ mặn xâm nhập sâu trong sông, kênh, rạch sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong khu vực. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời cần hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất.
Người dân nên trồng các loại cây thời vụ có thể chịu được mức độ mặn cao, chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, đồng thời có những biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập gây ra.
Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới nước, người dân cần kiểm tra nồng độ mặn.
Bên cạnh việc lưu trữ và tiết kiệm, người dân cần lắp đặt các hệ thống lọc nước mặn để đảm bảo tốt nhất lượng nước sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu.
Hệ thống lọc nước mặn được xem là biện pháp sử dụng trực tiếp nguồn nước mặn hiện tại. Hệ thống lọc xử lý các thành phần muối hòa tan trong nước, mang lại nguồn nước có độ ngọt hợp lý. Đặc biệt, nước sau lọc có thể sử dụng để uống trực tiếp hoặc tưới tiêu cho các loại cây có khả năng chịu mặn thấp.
Các hộ nuôi trồng thủy sản phải thực hiện quan trắc theo dõi độ mặn môi trường nuôi, từ đó xác định khoảng thời gian bắt đầu nuôi và thời điểm kết thúc phù hợp với hiện trạng mặn xâm nhập.
Theo Vietnam+
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: