25/03/2023 16:15
Về ý nghĩa lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Lưu Trung (ảnh) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết:
Cách đây 50 năm, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023) được ký kết. Thắng lợi của Hiệp định Paris là chiến thắng vẻ vang của sức mạnh tổng hợp cả về quân sự, chính trị và ngoại giao dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng.
Theo hiệp định, trong 60 ngày, hai phía tiến hành trao trả tù binh kể từ ngày hiệp định được ký kết. Thắng lợi của hiệp định mang đến niềm vui, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam nói chung, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nói riêng, những người không tiếc máu xương kiên trì, bền bỉ, anh dũng đấu tranh và đã chiến thắng. Để từ đây, chiến sĩ cách mạng lại được về với tổ chức, với cách mạng, với đồng đội, với nhân dân trong tâm thế của người chiến thắng.
Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” nhằm giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).
Lễ kỷ niệm còn nhằm tăng cường giáo dục truyền thống hào hùng và anh dũng, truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam, vun đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường cho các thế hệ người Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Phóng viên: Thời gian qua, công tác tôn tạo, bảo vệ di tích Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc và công tác chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng, nhất là các cựu tù Phú Quốc như thế nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Lưu Trung: Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1993 và là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2014.
Di tích còn bảo tồn được 6 điểm di tích gốc gồm nghĩa trang tù binh, cổng tiểu đoàn 7 và 8 quân cảnh, khu B2, khu nhà bộ chỉ huy trại giam, nhà thờ Kiến Văn và 1 điểm di tích tôn tạo tượng đài Đồi Sim. Đối với 6 điểm di tích trên được khoanh vùng bảo vệ với diện tích 8,5ha.
Ngoài ra, phân khu A2, các điểm hố 3 chôn tập thể và điểm ghi dấu sự kiện hiện đang nằm trên diện tích đất quốc phòng nên có định hướng khoanh vùng bảo vệ và quy hoạch để phục vụ công tác tu bổ, bảo tồn và khai thác phát huy giá trị di tích.
Từ năm 1997 đến nay, di tích Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc có 2 lần tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 43,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Các hạng mục tu bổ chính gồm phân khu B2 phục dựng một khu trưng bày; đường hầm vượt ngục; nghĩa địa tù binh (tượng đài Nắm Đấm); tượng đài Đồi Sim; xây dựng nhà làm việc và đón tiếp; cổng ban chỉ huy trại giam, cổng tiểu đoàn 8 quân cảnh, cổng tiểu đoàn 7 quân cảnh; hàng rào và nhà ban chỉ huy trại giam số 1, 2, 3, 4 và một số hạng mục phụ trợ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo việc lập quy hoạch và dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc. Hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch hoàn thành và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và lấy ý kiến bộ, ngành và hội đồng thẩm định theo quy định.
Hố chôn tập thể 513 tù binh được khai quật vào tháng 12-2008. Ảnh: Tư liệu tại di tích Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.
Về công tác chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng, nhất là các cựu tù Phú Quốc, những năm qua, tỉnh Kiên Giang quan tâm triển khai thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Tỉnh Kiên Giang thực hiện kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp hàng tháng gần 10.000 đối tượng hưởng chế độ, chính sách ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện với số tiền trên 24 tỷ đồng. Năm 2022, tỉnh triển khai xây dựng và sửa chữa 528 căn nhà cho người có công với cách mạng.
Năm 2022, trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày thương binh - liệt sĩ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo quyết liệt nhiều hoạt động tri ân người có công trong toàn tỉnh như tổ chức các đoàn thăm, chúc tết, tặng quà; tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, tặng thưởng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ... hoàn thành việc xác nhận và thực hiện chế độ cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ cho 727 người, hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng 419 người, trên 500 người đã được tặng kỷ niệm chương tù đày.
Trong chiến tranh, nhiều tù binh đã vượt ngục Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc bằng cách cắt và chui qua nhiều lớp hàng rào kẽm gai như thế này.
- Phóng viên: Thông qua lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”, đồng chí gửi gắm gì cho thế hệ trẻ?
- Đồng chí Nguyễn Lưu Trung: Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” tại Phú Quốc là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, hướng tới chào mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023).
Trong những ngày tháng 3 - tháng thanh niên, tuổi trẻ toàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, qua sự kiện này lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mong tuổi trẻ tỉnh nhà, có thể cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa về lòng yêu nước, ý chí kiên cường của các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt giam, tù đày, qua đó thêm vững tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Thế hệ trẻ cần ý thức trách nhiệm của bản thân, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn đức luyện tài, tích cực và sáng tạo trong lao động, sản xuất để đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
CÔNG NINH thực hiện
(KGO) - Chi cục Dân số là cơ quan hành chính trực thuộc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, với chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và triển khai các hoạt động chuyên môn về dân số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đơn vị này chịu sự chỉ đạo chuyên môn từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế.
Tổng số lượt truy cập: