03/08/2023 15:39
THIỆT HẠI NẶNG NỀ
Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 28 đến 31-7 làm nhiều diện tích lúa hè thu và thu đông 2023 của người dân đổ ngả, chìm trong nước nhiều ngày liên tiếp, trong đó có các diện tích lúa gần tới ngày thu hoạch bị giảm năng suất từ 30-70%, có nơi thiệt hại 100% diện tích.
Ước tính hơn 17.600ha lúa hè thu và thu đông 2023 bị ngập và đổ ngả do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 2, tập trung tại các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, Hòn Đất, Giang Thành... Bên cạnh đó, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp cũng bị ngập úng.
Nông dân ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm (Hòn Đất) cắt lúa bằng tay vì lúa đổ ngả, giảm năng suất.
Ghi nhận tại xã Mỹ Lâm (Hòn Đất), phần lớn các trà lúa đã phát triển từ 90-95 ngày, có cánh đồng tới ngày thu hoạch nhưng ngập sâu trong nước. Từ sáng 1-8, thời tiết bắt đầu có nắng, mưa giảm dần, nhiều nông dân tranh thủ ra thăm đồng, sử dụng nhiều biện pháp để cứu lúa bị ngập như đặt máy bơm, bơm liên tục để nước rút nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Bên cạnh đó, một số nông dân dùng dây buộc dựng đứng những cây lúa sập, tránh tình trạng lúa ngập trong nước dễ mọc mầm.
Ông Hồ Sỹ Hòa, ngụ ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm cho biết: “Lúa của tôi gần tới ngày thu hoạch, thương lái đã bỏ cọc, dự kiến khoảng 1 tuần nữa sẽ cắt. Thế nhưng trời mưa bão làm sập hơn 80% diện tích. Đến ngày thu hoạch, năng suất lúa giảm chỉ còn 14-15 bao/công. Thêm vào đó, lúa ngập trong nước nhiều ngày, một số chỗ ngả màu đen, lúa xấu. Do lúa sập, giảm năng suất và chất lượng, bị thương lái ép giá nên vụ này tôi chỉ đủ trả tiền phân bón, không có lời”.
Anh Võ Thành Tây, ngụ ấp An Thành, xã Bình An (Châu Thành) nói: “Miếng ruộng này đã sạ lại lần thứ ba. Mỗi lần gieo sạ xong gặp thời tiết nắng, mưa bão nên lúa bị xèo, chết, phải sạ lại. Theo lịch thời vụ thì lúa đã phát triển được 40 ngày, nhưng do gặp mưa nhiều ngày gần như 100% diện tích lúa bị thiệt hại. Chi phí đầu tư cho vụ lúa hè thu hơn 20 triệu đồng xem như mất trắng”.
Ngoài thiệt hại về sản xuất, mưa lớn và dông lốc khiến nhiều người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Ước tính có 228 căn nhà bị sập và tốc mái, thiệt hại về vật chất trên 7,6 tỷ đồng.
Bà Lương Thị Yến, ngụ ấp Thạnh Trúc, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) cho biết: “Rạng sáng 29-7, căn nhà của gia đình tôi gần như sập hoàn toàn do mưa dông. Gia đình không có ruộng đất, các con đi Bình Dương làm thuê. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên, gia đình gom góp tiền để sớm cất lại căn nhà”.
KỊP THỜI GIÚP DÂN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI
Theo đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, những ngày qua, trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính quyền xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) đến thăm hỏi, động viên hộ dân có nhà bị thiệt hại do mưa dông.
Để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại sản xuất, Chi cục Thủy lợi tỉnh chủ động mở các cống trên địa bàn tỉnh để tiêu thoát nước, chống ngập úng. Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện rà soát, thống kê diện tích lúa, rau màu bị ngập úng, hướng dẫn nông dân tích cực bơm nước, kết hợp hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa sau mưa bão.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh và các huyện trực tiếp đến hiện trường, kịp thời động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí ban đầu để người dân ổn định chỗ ở. Tính đến ngày 31-7, các huyện đã tạm ứng ngân sách trên 700 triệu đồng để hỗ trợ người dân có nhà bị sập, tốc mái, khắc phục hậu quả ban đầu.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh khẩn trương phối hợp chính quyền, đoàn thể vận động nhà hảo tâm ủng hộ tiền, vật chất giúp người dân trong lúc khó khăn, nguy cấp. Tính đến ngày 1-8, Mặt trận các cấp huyện Gò Quao đã phối hợp vận động trên 600 triệu đồng gồm tiền và vật chất; Mặt trận các cấp huyện Tân Hiệp phối hợp vận động trên 100 triệu đồng gồm tiền và vật chất hỗ trợ người dân.
Đồng chí Ngô Phương Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây ra trên địa bàn tỉnh và kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban vận động quỹ vì người nghèo Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân, nhất là những hộ có nhà bị sập, tốc mái.
Nhằm kịp thời giúp đỡ người dân bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cơ quan quân sự toàn tỉnh huy động gần 750 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh trực tiếp đến hiện trường tham gia cùng các lực lượng khác nhanh chóng hỗ trợ người dân.
Đại tá Nguyễn Thành Ân - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố tiếp tục phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ. Nắm chắc tình hình diễn biến mưa, bão để kịp thời báo cáo, điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG - THU OANH
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: