08/09/2023 19:19
Các diễn giả tham gia phiên tổng thể với chủ đề chính “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng”. Ảnh: TÂY HỒ
Phiên tổng thể với chủ đề chính “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” và 2 phiên chuyên đề: “Phát triển kiến trúc bền vững - Thích ứng với biến đổi khí hậu” và “Vai trò của vật liệu, công nghệ trong tạo lập không gian sống”.
CẦN THIẾT CÁC KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG
Tham gia tham luận khoa họa tại hội thảo, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Hà Văn Thanh Khương - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cho biết định hướng phát triển của TP. Phú Quốc trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Tại một thành phố nói chung như TP. Phú Quốc hay các khu vực đô thị nói riêng, phát triển một cách đồng nhất không chỉ là phần “cứng” bao gồm cơ sở hạ tầng, đường cao tốc hiện đại hay tòa nhà mà còn có không gian công cộng - một thành phần quan trọng của đô thị.
Một thành phố phát triển thành công và bền vững là một thành phố có hệ thống không gian công cộng chất lượng cao, cảnh quan đẹp và bền vững về môi trường. Do đó, sự tham gia của 3 khu vực nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư trong việc hình thành các không gian công cộng tại TP. Phú Quốc là cần thiết.
Thạc sĩ, Kiến trúc sư Hà Văn Thanh Khương - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang tham luận tại hội thảo quốc tế với chuyên đề “Phát triển kiến trúc bền vững - Thích ứng với biến đổi khí hậu”. Ảnh: TÂY HỒ
Đồng chí Hà Văn Thanh Khương đề xuất 5 giải pháp để hình thành nên các không gian công cộng với sự tham gia của 3 khu vực nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư.
“Nhà nước quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện, các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý. Thực tiễn cho thấy việc tư nhân hoá các không gian công cộng được sự đồng thuận cao của Chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Tạo nguồn lực cho không gian công cộng từ việc thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu để tạo nên các dự án không gian công cộng tốt nhất”, đồng chí Hà Văn Thanh Khương nêu ý kiến.
Một góc không gian TP. Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: TÂY HỒ
XU HƯỚNG BỀN VỮNG
Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Kiến trúc quốc gia Bộ Xây dựng, các cuộc đại cách mạng về công nghệ số, công nghệ thông minh phát triển làm chi phối và tác động, đặt ra các yêu cầu cần phải thay đổi trong thiết kế và xây dựng các công trình kiến trúc, đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng, thiên tai và dịch bệnh. Phát triển bền vững với những sự chọn lựa giữa các xu hướng đối lập: Truyền thống và hiện đại, tiên tiến và bản sắc, bảo tồn và phát triển...
Trong khi đó, lý thuyết về sự phát triển bền vững đang khuyến khích sự tôn trọng và trỗi dậy của văn hóa bản địa của mỗi quốc gia, coi đó như một nguồn lực, một tài nguyên hiếm quý, có nguồn cội bắt rễ từ trong các nền văn hóa...
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Kiến trúc quốc gia Bộ Xây dựng tham luận tại hội thảo quốc tế với chuyên đề “Phát triển kiến trúc bền vững - Thích ứng với biến đổi khí hậu”. Ảnh: TÂY HỒ
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng mong các kiến trúc sư tương lai sẽ được đào tạo theo hướng sáng tạo, được kết hợp các ý tưởng sáng tác lồng ghép giữa những yếu tố về văn hóa, công nghệ số và thông minh, đặc biệt là các công nghệ tương tác giữa không gian kiến trúc và sử dụng hiệu quả năng lượng. Qua đó hướng công trình kiến trúc theo hướng sinh thái, tiết kiệm năng lượng và bền vững.
Còn theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Trần Công Đức - Giám đốc Công ty GMP Việt Nam, Công ty GMP International GmbH, việc đưa ra các giải pháp thiết kế kiến trúc xanh và bền vững ngày càng có vị trí quan trọng đối với các kiến trúc sư trong quá trình thiết kế dự án.
“Tính hiệu quả và tầm ảnh hưởng của các giải pháp thiết kế hướng đến công trình xanh và bền vững cũng đã được thể hiện trong nhiều công trình thực tế tại Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng cần có nhiều chính sách và thay đổi về quản lý trong tương lai để đảm bảo việc duy trì và khuyến khích tư duy thiết kế hướng đến giá trị xanh và bền vững”, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Trần Công Đức cho biết.
Đại biểu quốc tế tham gia hội thảo. Ảnh: TÂY HỒ
Tại các phiên hội thảo, các bài tham luận khoa học đã đóng góp ý nghĩa rất lớn cho cả lý luận và thực tiễn, đề cập đến các vấn đề lớn của kiến trúc đương đại Việt Nam như phát triển kiến trúc vì cộng đồng, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, các công nghệ thiết kế, vật liệu xây dựng hiện đại…
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp giúp định vị nền kiến trúc Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới, gợi ý hướng đi của kiến trúc nước ta để bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam.
TÂY HỒ
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: