10/04/2023 10:59
Huyện Kiên Hải được thành lập theo Quyết định số 04-HĐBT, ngày 14-1-1983 của Hội đồng Bộ trưởng gồm 6 xã Nam Du, Bà Lụa, Hòa Đốc, Hòn Nghệ, Hòn Tre, Lại Sơn. Huyện có hơn 70 đảo lớn nhỏ, diện tích đất tự nhiên 3.472ha.
Bí thư Huyện ủy Kiên Hải Trần Quốc Việt cho biết, lúc bấy giờ huyện Kiên Hải có 6 đơn vị hành chính, phía đông giáp vịnh Rạch Giá và huyện Châu Thành; phía tây giáp TP. Phú Quốc; phía nam giáp huyện An Biên và An Minh; phía bắc giáp huyện Hòn Đất, TP. Hà Tiên, Kiên Lương và Campuchia. Trung tâm huyện Kiên Hải cách TP. Rạch Giá gần 30km. Huyện có 1.527 hộ với 8.629 nhân khẩu.
Sau 3 lần điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay, huyện Kiên Hải có 4 xã Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với hơn 20 đảo lớn nhỏ, diện tích tự nhiên 24,61km2. Dân số 5.150 hộ với 17.795 nhân khẩu, trong đó dân tộc Kinh chiếm trên 98%, còn lại là dân tộc Hoa, Khmer và một số dân tộc ít người. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản; làm vườn; kinh doanh thương mại, dịch vụ...
Một góc xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải.
Ngày mới thành lập, Đảng bộ huyện Kiên Hải có 10 tổ chức cơ sở Đảng với 39 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 29 tổ chức cơ sở Đảng với 916 đảng viên. Đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, đảm bảo số lượng, chất lượng. Hiện cán bộ, công chức toàn huyện có 88 đồng chí, có trình độ đại học chiếm 80,74%; trình độ sau đại học có 19 đồng chí, chiếm 19%.
Ông Nguyễn Văn Khỏi (96 tuổi), ngụ ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn nhớ lại thời điểm thành lập huyện, trên địa bàn xã chỉ có khoảng 10 nhà dân, đường đi lại theo vách đá, lối mòn, đời sống của người dân thiếu thốn nhưng những chuyến tàu đánh bắt về luôn đầy ắp “lộc biển”. “Người dân ở đây yêu biển như nông dân yêu đồng ruộng. Tính người dân vùng biển khí khái, ăn to nói lớn, thẳng thắn, bộc trực, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không kể công, chuyên cần trong làm ăn”, ông Khỏi nói.
Theo đồng chí Trần Mười Lớn - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, ngày 14-4-1983, những ngày đầu thành lập huyện, điều kiện đi lại, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, người dân sinh sống trên đảo khó khăn, thiếu thốn. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản. Vào mùa mưa biển động, tàu không đi lại được nên khan hiếm lương thực, hàng hóa phục vụ người dân trên đảo. Phương tiện từ Rạch Giá - Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du ít chuyến. Đường quanh các đảo chưa có, người dân phải đi theo lối mòn.
“Năm 1983 có những chuyến đi công tác dài ngày tại xã Lại Sơn, do biển động, tàu không chạy nên đảo hiếm rau, chúng tôi phải hái rau rừng ăn”, đồng chí Trần Mười Lớn nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Khỏi (bên trái), ngụ ấp Bãi Nhà A, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải kể về những ngày đầu mới thành lập huyện Kiên Hải.
Những ngày đầu thành lập, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Kiên Hải còn nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ chưa hoàn chỉnh, vừa thiếu vừa không đồng bộ. Nơi làm việc chật hẹp, chỗ ở tạm bợ. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện còn khiêm tốn.
Huyện Kiên Hải có xuất phát điểm thấp, kinh tế phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, tỷ lệ hộ nghèo cao. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp, đời sống của bộ phận người dân còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Kiên Hải nỗ lực vượt qua khó khăn. Đồng chí Trần Quốc Việt cho biết: “Với truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kiên Hải có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đưa kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải ngày càng phát triển”.
Với những thành tựu đạt được, năm 2003, Đảng bộ, quân và dân huyện Kiên Hải được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, được tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích đóng góp trong xây dựng, phát triển huyện đảo.
Bài và ảnh: THANH DƯ
(KGO) - Sáng 11-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn hiện nay".
Tổng số lượt truy cập: