31/07/2024 16:00
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 7% bình quân hàng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Kiên Giang cần huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 711.516 tỷ đồng. Ảnh: HOÀNG GIÁM
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 699/QĐ-TTg, ngày 19-7-2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kiên Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh). Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1289/QĐ-TTg, ngày 3-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Một trong những nội dung của kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Đến năm 2025 rà soát, lập, điều chỉnh các Quy hoạch đô thị, nông thôn, các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Trong năm 2024-2025 tiếp tục rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định tại Điều 59 Luật Quy hoạch. Chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.
Nội dung tiếp theo là triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh đối với các dự án danh mục ưu tiên và phân kỳ đầu tư thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Theo đó nguồn lực thực hiện quy hoạch gồm ngân sách nhà nước, hợp tác công tư và các nguồn lực phát triển khác, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt và kích cầu các nguồn lực của xã hội.
Theo kế hoạch này, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 7% bình quân hàng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Kiên Giang cần huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 711.516 tỷ đồng. Trong đó, vốn giai đoạn 2021-2025 là 263.129 tỷ đồng, thời kỳ 2026-2030 là 448.387 tỷ đồng.
Đồng thời phải hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Theo đó, chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển của địa phương và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách của vùng và những đề án trọng tâm, trọng điểm tạo đột phá cho phát triển tỉnh, vùng và ngành (cả nước)
Về kế hoạch sử dụng đất, cần căn cứ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Kiên Giang, Quy hoạch sử dụng đất an ninh, Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng… UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2025 và Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2026-2030 theo đúng quy định pháp luật.
UBND các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất đồng bộ, hiệu quả, thống nhất với Quy hoạch tỉnh.
Trường hợp các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, khu vực định hướng quy hoạch đầu tư trong các quy hoạch phê duyệt trước đây khác so với Quy hoạch tỉnh thì thực hiện theo chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng quy hoạch đầu tư của Quy hoạch tỉnh.
ĐỨC BÌNH
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: