12/02/2024 09:20
Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary vào ngày 7-1-1979 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức những người lính Cụ Hồ và nhân dân Campuchia.
Đồng chí Trần Đua (bên trái) kể với con trai về việc được Chính phủ Campuchia tặng Huân chương Chiến công hạng nhất năm 1987.
TỰ VỆ VÀ GIÚP BẠN
Tháng 6-2023, khi cùng đoàn công tác của tỉnh Kiên Giang đến thăm Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng, thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), tôi ấn tượng với ông Chum Mey, một trong số ít nạn nhân may mắn sống sót khỏi nhà tù Toul Sleng. Ông Chum Mey đã chịu đựng nhiều màn tra tấn tàn bạo trong những xà lim do chế độ Pol Pot dựng lên.
Ông Chum Mey kể cho chúng tôi nghe về bộ đội Việt Nam đã giúp hồi sinh đất nước Campuchia, cũng như sự hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả của bộ đội Việt Nam. Ông Chum Mey vẫn nhớ như in giây phút bộ đội Việt Nam đến cứu ông, một anh bộ đội đã nhường áo cho ông mặc. “Tôi biết ơn nhân dân và bộ đội Việt Nam đã cứu giúp đất nước Campuchia và bản thân tôi được hồi sinh”, ông Chum Mey nói.
Hồi ức về cuộc chiến chính nghĩa tự vệ và giúp nước bạn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người bộ đội Việt Nam và nhân dân Campuchia. Chỉ vài ngày sau đại thắng 30-4-1975, trong khi cả nước ta vẫn đang hừng hực không khí chiến thắng thì bọn Pol Pot đã gây hấn, đem quân vào đảo Thổ Chu, xã đảo Thổ Châu (TP. Phú Quốc) tàn sát, bắt hơn 500 người dân trên đảo đưa xuống tàu chở đi mất tích.
Đại tá Trần Đua - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang kể vào tháng 10-1976, đồng chí là Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát, Tiểu đoàn 207 được đơn vị điều động thực hiện nhiệm vụ ở Hà Tiên.
Đại tá Trần Đua nói: “Lúc ấy Pol Pot đã gây hấn ở biên giới như tuần tra biên giới, dời cột mốc, cuốn dây thép gai. Chúng đón tàu từ Giang Thành về Hà Tiên cướp đồ đạc, tài sản. Dần dần chúng kêu tàu không ghé thì bắn dân. Tiếp theo đó chúng cắt liên lạc với Ban liên lạc tỉnh”.
Đầu tháng 11-1976, Tiểu đoàn 207 hành quân lên biên giới, triển khai đóng ở Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Tháng 12-1976, Tiểu đoàn 207 quay về phòng ngự ở Hà Tiên (Kiên Giang), đoạn từ Bà Lý lên Thạch Động, Xà Xía thành một đội hình phòng ngự. Ngày 30-4-1977, Pol Pot đánh vào Hà Tiên gặp sự chiến đấu quyết liệt của Tiểu đoàn 207, bọn giặc thua trận, bỏ xác lại 4 tên.
CUỘC CHIẾN CHÍNH NGHĨA
Kể từ tháng 5-1977, quân Pol Pot thường xuyên tổ chức tập kích hỏa lực trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Máu của đồng bào ta đã đổ trên biên giới, người già, phụ nữ, trẻ em đã bị quân Pol Pot giết hại. Trước hành động dã man của quân Pol Pot, quân và dân ta buộc phải bước vào một cuộc chiến tự vệ và cao hơn nữa là ngăn ngừa thảm họa diệt chủng.
Đồng chí Mai Quang Tốt - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang kể năm 1977 đồng chí là Trung đội phó thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 25 Công binh (nay là Lữ đoàn 25, Quân khu 9). Đồng chí được điều động dẫn một tiểu đội xây dựng công trình biên giới cho Sư đoàn 4 ở Vĩnh Điều vào tháng 7-1977.
“Lên biên giới, đơn vị đóng ở chốt và bắt đầu ngay việc xây dựng hầm hào, gài mìn vào ban đêm và tờ mờ sáng để tránh bị địch phát hiện. Thời đó còn khó khăn lắm, chốt lực lượng mỏng nên nay ở chỗ này, mai chỗ khác, đi lại chủ yếu bằng xuồng để chở vật tư”, đồng chí Tốt nói.
Tháng 12-1978, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, quân ta mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 7-1-1979, các đơn vị thuộc Quân khu 9 phối hợp với các mũi tiến công vào thủ đô Phnom Penh. Đồng chí Mai Quang Tốt trong Đại đội Trinh sát cùng với Tiểu đoàn Trinh sát Quân khu 9 được tăng cường Trung đoàn tăng của Quân khu 9 hành quân từ Tịnh Biên lên Tà Keo, đánh lên Phnom Penh.
“Ngày 7-1-1979, lực lượng bắt đầu hành quân từ Tịnh Biên khoảng 5 giờ 30 phút đến 16 giờ đến sân bay Potchentong. Đơn vị tăng đánh mở hướng trục lộ, Sư đoàn 330 đánh mở rộng hai bên”, đồng chí Mai Quang Tốt kể.
Tham gia đội hình Quân khu 9, lực lượng vũ trang Kiên Giang cùng lực lượng cấp trên tiến công giúp cách mạng Campuchia giải phóng tỉnh Kampot. Đại tá Trần Đua vẫn còn nhớ tình cảm của nhân dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam. Một nhà sư mở lời: “Lục thum (có nghĩa là ông lớn) ơi, để người dân nấu cơm cho bộ đội Việt Nam ăn để tỏ lòng biết ơn”.
Dù không muốn phiền đến nhân dân nhưng trước tình cảm tha thiết của nhà sư và người dân, đồng chí Trần Đua và đồng đội vui vẻ nhận bữa cơm. Đó cũng là lần đầu tiên đồng chí Trần Đua được thưởng thức món mắm bò hóc do chính người dân Campuchia mời. Xúc động trước nghĩa tình của người dân Campuchia, đồng chí Trần Đua đã đọc một câu vừa tiếng Việt, vừa tiếng Khmer: “Việt Nam - Campuchia samaki, xi bò hóc bốc bằng tay, quây Pol Pot”, nghĩa là “Việt Nam - Campuchia đoàn kết, ăn bò hóc bốc bằng tay, đánh Pol Pot”. Câu nói đó đã làm quân, dân cười vang, khắng khít như người một nhà quây quần ăn cơm, trò chuyện.
NGHĨA TÌNH KHÔNG THỂ QUÊN
Tiếp theo chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam là 10 năm nước ta giúp nước bạn chiến đấu truy quét tàn quân địch; khôi phục, hồi sinh đất nước Campuchia từ 1979-1989, trong đó lực lượng tỉnh Kiên Giang đóng ở địa bàn tỉnh Kampot giúp nước bạn.
“Khi người dân biết bộ đội Việt Nam sang giúp đất nước Campuchia thì bỏ Pol Pot, trốn ra khỏi rừng về với phum, sóc. Bộ đội ta thấy dân bệnh thì cho thuốc, điều trị, dân đói thì cho gạo. Nhờ vậy chỉ khoảng 2-3 tháng, tất cả người dân đã bỏ rừng trở về với phum, sóc”, đồng chí Trần Đua kể.
Trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn cho đến năm 1984, đồng chí Huỳnh Nhị - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Kiên Giang, từng là cán bộ Tiểu đoàn 1 thuộc Đoàn 9904 Kiên Giang kể lại, buổi đầu ta giúp bạn gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ sở hạ tầng, nguồn lực sản xuất của nước bạn hầu như bị chính quyền diệt chủng Pol Pot phá hủy hết.
Đất nước bạn không có chính quyền cơ sở, không có lực lượng vũ trang địa phương, không có chợ, không có trường học, nạn đói, nạn đau hoành hành… Bộ đội Việt Nam cùng các chuyên gia đã giúp nước bạn xây dựng, tổ chức, củng cố, đưa cuộc sống người dân ngày càng ổn định.
Hai đồng chí Trần Đua, Huỳnh Nhị không bao giờ quên cảnh bộ đội ta băng rừng sâu, vượt núi thẳm truy đuổi, truy tìm kẻ địch. Quân Pol Pot ngoan cố, chúng thường phục kích, tập kích bất ngờ, nhất là vào ban đêm. Chúng sử dụng mìn nhằm tiêu hao sinh lực, sức chiến đấu của bộ đội ta. Dưới mặt đất, dọc sông suối, tuyến đường, rừng, núi… chúng đều cài dày đặc đủ loại mìn có tầm sát thương, gây thương tích không chỉ cho bộ đội ta mà cả những người dân vô tội.
Đồng chí Huỳnh Nhị là một những chiến sĩ bị trúng mìn trong lúc truy quét Pol Pot tại núi Sahan, tỉnh Kampot ngày 15-9-1984. “Địa điểm trúng mìn giữa núi thẳm, rừng sâu nên đồng đội phải chặt cây vuốt nhọn đóng vào chân tôi để cầm tủy, đừng cho chảy máu”, đồng chí Huỳnh Nhị kể.
Lần bị thương đó khiến đồng chí Huỳnh Nhị mất một phần chân, mất 64% sức lao động. Đồng chí Huỳnh Nhị chỉ là đơn cử trong biết bao chiến sĩ Việt Nam đã mất đi một phần máu thịt, có những người nằm lại mãi mãi nơi núi rừng Campuchia khi tuổi đời còn rất trẻ trong công cuộc giúp nước bạn Campuchia hồi sinh.
Nghĩa tình của bộ đội Việt Nam, người dân Campuchia vẫn mãi khắc ghi. Tháng 11-2023, trong chuyến công tác tại Kiên Giang, Thiếu tướng Chhum Visal - Phó Tư lệnh Quân khu 3 (Vương quốc Campuchia) khẳng định: “Ngày nay, Campuchia hòa bình và có nền kinh tế phát triển, có khả năng hội nhập ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng Campuchia không thể quên những công lao to lớn mà Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia”.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
(KGO) - Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 22-11, một người dân sống tại đường Mạc Cửu, khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phát hiện một thi thể nam giới nổi trên mặt nước tại khu vực kênh gần nhà nên báo cơ quan chức năng.
Tổng số lượt truy cập: