03/04/2023 18:24
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023 - Ảnh: chinhphu.vn
Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Tham dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng tưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần các biện pháp xử lý tích cực hơn. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ cháy nổ, tội phạm ma túy...
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số nguyên nhân quan trọng như tác động rất nặng nề từ bên ngoài, thị trường quốc tế; đại dịch COVID-19; một số khó khăn, yếu kém của nội tại nền kinh tế kéo dài nhiều năm nhưng bộc lộ rõ nét sau đại dịch COVID-19; một số bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chủ động, chưa kịp thời trong phản ứng chính sách; một bộ phận cán bộ còn trì trệ, trách nhiệm chưa cao, thậm chí né tránh, sợ trách nhiệm, nhất là liên quan tới định giá, đấu thầu, mua sắm...
Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ vững bản lĩnh trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức - Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Trong khó khăn, phức tạp, cần giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt không để lãng phí thời gian, chủ động, kịp thời giải quyết công việc. Lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược, lâu dài là quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức, áp lực là động lực phấn đấu vươn lên, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và sinh kế của người dân.
Nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm các quy chế làm việc, không bỏ sót công việc; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Kịp thời phát hiện, đề xuất các chính sách để ứng phó với những phát sinh; tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; cái gì thuộc thẩm quyền thì phải chủ động làm, không trông chờ ỷ lại; đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.
Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, giữa tình hình bên trong và bên ngoài.
Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phát huy vai trò tích cực hơn của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm đời sống của nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan, không để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát. Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, phòng chống tội phạm.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo từng bộ, ngành. Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chăm lo đời sống nhân dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Làm tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân đầu tư công...
Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ ngươi dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.
Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì nhiệm vụ chung, nỗ lực phấn đấu thực hiện bằng được, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đã giao.
Tham dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: chinhphu.vn
Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, trong tháng 3 và quý I, Chính phủ đã bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, nắm chắc diễn biến tình hình, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Về kết quả nổi bật trong những tháng đầu năm, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng, chuẩn bị kỹ các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường thứ 2, Kỳ họp thứ 5. Chính phủ tổ chức 3 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, xem xét, cho ý kiến đối với 16 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 17 văn bản quy phạm và 54 nghị quyết. Chính phủ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực quan trọng như thuốc, trang thiết bị y tế, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản...
Các đại biểu cho rằng, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu của Trung ương, Quốc hội giao: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập đươc tăng cường, mở rộng; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Cụ thể, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong bối cảnh nhiều biến động, lãi suất được điều chỉnh giảm 2 lần liên tục. Về các cân đối lớn, chúng ta đã thu đủ chi (thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ); xuất đủ nhập (tính chung quý I xuất siêu 4,07 tỷ USD); làm đủ ăn (xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo, trị giá 0,95 tỷ USD, tăng 19,3% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ); an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi nhanh, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
GDP quý I tăng 3,32%, 58/63 địa phương tăng trưởng dương. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% đạt 3,4 tỷ USD; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ…
Văn hóa xã hội được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm. Kinh phí trợ giúp Tết trên toàn quốc là 9.500 tỷ; hỗ trợ 18.300 tấn gạo cho gần 205.000 hộ với 1,2 triệu nhân khẩu). Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới...
ĐỨC BÌNH lược theo chinhphu.vn
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: