19/03/2024 15:35
Khu vực sản xuất lúa ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tham gia thực hiện chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Ngày 19-3, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì hội nghị với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về ý tưởng đề xuất Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp sẽ được triển khai ở khu vực này.
Theo ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long được đề xuất dựa trên Đề án một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Chính phủ.
Dự án sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, triển khai ở 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long).
Thời gian thực hiện trong 5 năm, từ năm 2026-2031. Giai đoạn chuẩn bị dự án trong hai năm 2024 và 2025.
Tổng chi phí để triển khai dự kiến khoảng 375 triệu USD (tương đương 8.968 tỷ đồng); trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.
Ông Nguyễn Thế Hinh cho biết mục tiêu của dự án nhằm để thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp chất lượng cao tại các tỉnh mục tiêu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mục tiêu này sẽ được đo lường bằng các chỉ số như: tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.
Theo đại diện Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, dự án sẽ được thiết kế dựa trên 6 nguyên tắc, bao gồm thiết kế và cung cấp gói đầu tư toàn diện và thông minh cho nông dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng lợi nhuận cho trang trại.
Đồng thời, hỗ trợ sản xuất của các hộ sản xuất nhỏ bằng cách phát triển và củng cố các tổ chức nông dân và hợp tác xã; huy động nguồn vốn tín chỉ carbon cho các khu vực áp dụng các biện pháp thực hành carbon thấp.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ phát triển thị trường lúa carbon thấp. Đồng thời, tạo ra khung chính sách và kỹ thuật thuận lợi để hỗ trợ sản xuất lúa gạo có hàm lượng carbon thấp.
Dự án sẽ sử dụng tín dụng của Ngân hàng Thế giới để tài trợ cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng theo Luật Đầu tư công và vốn đối ứng của Chính phủ sẽ được sử dụng cho các khoản đầu tư và hoạt động phi công trình theo quy định không được sử dụng nguồn vốn vay WB.
Trong 375 triệu USD vốn đầu tư dự án sẽ được chia cho 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 "Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, carbon thấp" có giá trị đầu tư cao nhất với 350 triệu USD.
Hợp phần này có mục tiêu nâng cao sản lượng, hiệu quả và giảm tổn thất sau thu hoạch, từ đó cải thiện lợi nhuận nâng cao giá trị gia tăng, giảm phát thải khí nhà kính và tác động đến khí hậu.
Nguồn vốn của dự án sẽ được sử dụng để đầu tư cho hàng hóa và các công trình công cộng nhằm thu hút và thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào chuỗi giá trị gạo carbon thấp.
Vốn vay của Ngân hàng Thế giới sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng, vốn của Chính phủ sẽ được sử dụng để tài trợ cho hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và chi phí vận hành.
Cụ thể, hợp phần này sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết để hỗ trợ chuỗi giá trị gạo carbon thấp từ các giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến và tiếp thị, nhằm mục tiêu khoảng 500.000 ha trên 12 tỉnh tham gia ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Các đầu tư thuộc hợp phần này sẽ bao gồm các lĩnh vực: nâng cấp hệ thống thuỷ lợi để cải tạo quản lý nước và hiệu quả sử dụng nước; hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số thông qua quản lý nước, cây trồng và dịch hại dựa trên IOT để cải thiện việc lưu trữ nước, năng suất cây trồng, độ tin cậy và sự tiện lợi của hệ thống, giảm chi phí lao động và tăng lợi nhuận.
Hợp phần 1 cũng sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, tùy theo điều kiện thực tế, khoảng 1.000 ha sẽ thiết lập một khu tập trung và các trung tâm hỗ trợ hậu cần khu vực; cải thiện hệ thống giao thông để giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả.
Hỗ trợ cơ sở hạ tầng năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, gió và khí sinh học để giúp giảm phát thải khí nhà kính thông qua cung cấp các nguồn năng lượng thay thế.
Bên cạnh đó, hợp phần này cũng sẽ hỗ trợ các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử giúp kết nối nông dân với các nhà cung cấp dịch vụ và thị trường. Nông dân muốn tham gia sẽ cần phải đăng ký và lấy ID trang trại để đảm bảo rằng sản phẩm của họ có thể được truy xuất nguồn gốc.
Hai hợp phần còn lại bao gồm hợp phần phát triển và chuyển giao kỹ thuật (20 triệu USD) và hợp phần quản lý dự án (5 triệu USD).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị sau cuộc họp này, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp có văn bản gửi đến 12 tỉnh, thành phố tham gia dự án để các địa phương củng cố hoặc thành lập mới Ban quản lý dự án của tỉnh mình để làm cơ sở chỉ đạo thực hiện, đồng thời cung cấp thông tin để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn chỉnh dự án.
Theo ông Trần Thanh Nam, qua trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì tháng 5-2025, Ngân hàng Thế giới sẽ phê duyệt dự án này.
Thời gian chỉ còn khoảng 1 năm do đó các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ công việc.
"Ngân hàng Thế giới đã xác định dự án này là dự án trọng điểm ở khu vực châu Á Thái Bình Dương để từ đó nhân rộng ra các nước châu Á. Họ cũng đồng ý mua tín chỉ carbon của dự án. Do đó phải làm sao đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay phải có mô hình điểm để sau đó nhân rộng đồng loạt ở các địa phương tham gia," Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, do đây là dự án quan trọng cấp quốc gia nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, phối hợp với 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.
Ông Nam đề nghị các tỉnh cung cấp số liệu chính xác để không phải mất thời gian rà soát, trong tháng 4-2024 phải cung cấp cho bộ.
"Đây là dự án có thể giúp chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long trong ngành lúa gạo nên được rất nhiều tổ chức quốc tế chú ý và nông dân cũng rất đồng tình.
Do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các địa phương cố gắng phối hợp cùng Bộ để hoàn thành sớm giai đoạn chuẩn bị cho dự án," ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo TTXVN/Vietnam+
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: