28/04/2024 10:24
Bằng sự ngụy trang kín đáo, sự chỉ huy pháo bắn chính xác, dữ dội ta đã nhanh chóng đánh chiếm cứ điểm Him Lam, phá vỡ phòng tuyến phía Đông Bắc của thực dân Pháp. Đại đoàn 351 cũng là đơn vị đầu tiên nhận được lá cờ Quyết chiến Quyết thắng, là phần thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch tặng cho những đơn vị lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại đoàn pháo binh 351 thành lập ngày 29-6-1946 tại Thủ đô Hà Nội trên cơ sở 3 trung đội: Pháo Đài Láng, Pháo đài Xuân Tảo và Pháo đài Xuân Canh. Cuối năm đó, vào ngày 19-12-1946 Pháo đài Láng cũng là đơn vị nổ những phát súng đầu tiên mở đầu Cuộc kháng chiến toàn quốc theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Bộ đội Pháo binh đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, chế tạo nhiều loại vũ khí có khả năng chiến đấu cao như Bazoca, AT, DKZ, … kịp thời trang bị nâng cao khả năng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các thủ đoạn chiến thuật trong các chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp trên khắp các mặt trận. Các đơn vị pháo binh đã phối hợp và trợ giúp đắc lực với bộ đội chủ lực giành được nhiều thắng lợi quan trọng như Chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Quang Trung, Chiến dịch Biên giới,...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn công pháo 351. Ảnh tư liệu
Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ xây dựng căn cứ quân sự ở đây nhằm thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam tới để tiêu diệt, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, quyết tâm tiêu diệt địch, giành thắng lợi quan trọng này hòng thay đổi cục diện chiến tranh. Mọi sự chi viện trên cả nước được dồn cho Điện Biên Phủ từ phương án tác chiến, hậu cần, lực lượng tham gia chiến đấu, trang bị vũ khí.
Cũng trong trận chiến này lần đầu tiên ta chủ trương đánh hiệp đồng Binh chủng Pháo binh và bộ binh. Về phía pháo binh được huy động ở mức cao nhất nhằm chi viện hỏa lực tối đa cho các đơn vị bộ binh bao gồm 1 trung đoàn sơn pháo 75mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu), 4 đại đội súng cối 120mm (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ pháo 37mm (24 khẩu) và 2 tiểu đoàn công binh.
So sánh lực lượng bộ binh, ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12), nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn địch, và trang bị yếu hơn nhiều. Về lực lượng pháo yểm hộ trực tiếp cho bộ binh, ta hơn địch về số lượng (64/48 khẩu), nhưng lực lượng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn cao xạ 37mm để đối phó với toàn bộ không quân địch.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp trao nhiệm vụ cho pháo binh: "Trọng pháo ra trận lần đầu sẽ gặp nhiều khó khăn lớn. Trước mắt, phải bảo đảm an toàn và tuyệt đối bí mật trong hành quân. Đưa được người và xe, pháo tới đích an toàn, coi như đạt 60% thắng lợi". Pháo được vận chuyển hoàn toàn bằng ô tô đến Tuần Giáo tập kết ở đây, chờ làm đường Tuần Giáo đi Điện Biên (con đường này trước đây chỉ là đường dùng cho ngựa thồ, và đã bỏ lâu ngày).
Sau 1 tháng, con đường Tuần Giáo - Điện Biên được mở mới dài 80km, pháo tiếp tục được vận chuyển đến cửa rừng Nà Nham, xã Nà Nhạn, rồi từ đây bắt đầu công cuộc kéo hoàn toàn bằng tay lên các triền núi xung quanh lòng chảo, một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Thực tế đã cho thấy với địa hình đặc biệt của Điện Biên Phủ, những vùng rừng núi và những quả đồi liên tiếp bao bọc bốn phía lòng chảo phía dưới giúp ta có thể che giấu được các loại vũ khí, đặc biệt là những khẩu pháo to mà địch khó phát hiện ra được. Bộ chỉ huy kéo pháo được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh 312, làm chỉ huy trưởng, đồng phí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy 351, làm chính ủy, đồng thời cử đồng chí Đỗ Đức Kiên, Trưởng ban Tác chiến chiến dịch và một số cán bộ tham mưu xuống cùng bàn kế hoạch và kiểm tra đôn đốc.
Với quyết định đánh nhanh, điều quan trọng là phải kéo được những khẩu pháo đó vào đúng vị trí và sẵn sàng nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu. Đại đoàn 308, một đại đội sơn pháo, một tiểu đoàn công binh hơn 5.000 người đã mở mới một đường kéo pháo bằng tay trong 20 giờ với chiều dài 15km, chiều rộng 3m chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu tới Bản Nghễu, được ngụy trang toàn bộ. Đây là một con đường kéo pháo khá dài nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Trên con đường ấy ta đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, vượt qua những đoạn đường núi cheo leo, hiểm trở, dốc cao, vực sâu lại bị máy bay và pháo địch cản trở để đến được hầm trú ẩn dành cho pháo đã được ngụy trang từ trước.
Quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" sau khi cân nhắc kỹ lưỡng sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng giữa ta và địch ngày càng thay đổi và những khó khăn ta có thể gặp phải. Mọi công tác được chuẩn bị cho phương án tác chiến lâu dài với địch. Hậu cần được ưu tiên từ các địa phương lên Điện Biên Phủ. Pháo được lệnh kéo ra, quay về vị trí tập kết để làm đường cơ động cho pháo.
Sau này, khi ta có trong tay tấm bản đồ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta đã dựa vào đó để xây dựng đường cơ động cho pháo gồm sáu tuyến đường dài 70km, qua nhiều vùng đồi núi cao nối liền từ phía Đông sang phía Bắc Mường Thanh, có thể bắn tới mục tiêu xa nhất là Hồng Cúm. Khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, đoàn tù binh đi qua những con đường này về trại tập trung, đã nhận xét: "Riêng với việc làm được những trục đường này, các ông cũng đủ thắng chúng tôi rồi!".
Một việc cũng khó khăn không kém là xây dựng các hầm pháo. Hầm pháo nằm sâu trong lòng núi, đủ rộng để pháo thủ dễ dàng thao tác, đủ dày để an toàn cho pháo 105mm. Cạnh hầm pháo, là hầm chỉ huy và hầm chứa đạn. Cứ bốn khẩu đội, lại có chung một hầm làm nơi hội họp hoặc vui chơi. Nối liền các hầm pháo là hào giao thông khá rộng và sâu, có rãnh thoát nước và hố tránh bom napan. Lại có đường hào nối từ trận địa pháo về tuyến cung cấp, nơi có đủ hầm ăn, hầm ở, hầm thương binh, hầm nấu ăn, hầm giấu xe... Bên mỗi trận địa thật đều có một trận địa giả để thu hút bom đạn địch.
Đào một hầm pháo trung bình phải moi từ lòng núi khoảng 200 tới 300 khối đất đá, rồi đổ toàn bộ lên nắp hầm. Gỗ lát nóc hầm có đường kính từ 30cm trở lên. Toàn bộ số gỗ này phải lấy từ xa, khoảng 9 - 10km, đưa về để không làm lộ trận địa. Các trận địa lựu pháo được bố trí cách khu trung tâm Mường Thanh khoảng 7km, và cách các vị trí ngoại vi 4 - 5km. Do đó, không những cần phải ngụy trang toàn bộ công trình trước con mắt soi mói của máy bay trinh sát mà còn phải không để cho quân địch ở các vị trí ngoại vi nghe được tiếng nổ mìn phá đá, chặt cây, đào đất.
Sau nhiều lần thay đổi ngày giờ nổ súng, ngày 13-3-1954 chính thức được lựa chọn trở thành ngày mở màn chiến dịch với mục tiêu là trung tâm đề kháng Him Lam. Đại đoàn công pháo 351 được trao nhiệm vụ tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy ở Mường Thanh, sân bay và các kho tàng. Đại đội lựu pháo 806 được giao trọng trách giương cao nòng pháo trút loạt đạn đầu tiên, dội xuống lòng chảo theo mục tiêu đã định. Các loại pháo khác của ta cũng đồng loạt lên tiếng, tạo thời cơ cho bộ binh tiến lên.
Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương, một cơn mưa đại bác bắn chính xác vào cứ điểm của địch, từ trên các điểm cao, hỏa lực bắn cấp tập về phía dưới tập đoàn cứ điểm, đánh một màn phủ đầu không thể chính xác và hiệu quả hơn. Chỉ huy pháo binh của Pháp là Piroth, từng có những thành tích xuất sắc trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã tự sát trong hầm chỉ huy của mình vì bất lực trước sức mạnh pháo của Việt Minh.
Chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai, một số đơn vị trọng pháo tiến sát hơn xuống trận địa, cùng với bộ binh chiến đấu bảo vệ những chiến hào đã đào. Đại đội lựu pháo 804 chiếm lĩnh vị trí sát Him Lam, hai đại đội lựu pháo 801, 802 chuyển pháo từ phía Đông sang trận địa mới ở phía Tây, nằm ngay sau Bản Kéo. Ở phía Đông Nam, Đại đội lựu pháo 805 cũng cơ động từ trên núi Pú Hồng Mèo xuống gần Hồng Cúm. Cũng trong thời gian này, pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ.
Nhiệm vụ của đợt tấn công thứ hai chủ yếu là dãy cao điểm phía Đông. Pháo binh yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở tung thâm phía Đông Mường Thanh. 18 giờ ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Các cao điểm phía Đông, một số vị trí bảo vệ sân bay ở phía Tây, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động địch chìm trong khói lửa.
Cũng như đợt tiến công thứ nhất, suốt nửa giờ đầu, pháo binh địch không thể lên tiếng. Trong đợt tiến công này các pháo thủ bắn rất chính xác, tạo điều kiện cho bộ binh mở cửa. Nhanh chóng chiếm được các vị trí D1, D2, D3, C1, E1, pháo binh giữ vững trận địa, yểm trợ hiệu quả cho các đơn vị trên các cao điểm khác. Thành công lớn nhất của ta là loại bỏ được khả năng làm việc của sân bay Mường Thanh khi từ đầu tháng 4 trở đi, không một chiếc máy bay nào của Pháp tiếp cận được với Điện Biên Phủ. Khoảng không mà Pháp coi là an toàn trước đó cũng bị đe dọa bởi các loại pháo và súng cối của ta, buộc Pháp phải bay cao thả dù từ độ cao hơn 2.000m, hơn nửa số lượng đó rơi vào trận địa của Việt Minh. Đến giữa tháng 4, hơn 50 máy bay của Pháp bị bắn hạ trên bầu trời Điện Biên.
Trong suốt nhiều ngày tiếp theo của chiến dịch, Bộ đội Pháo binh tiếp tục “sát cánh” với bộ binh tấn công các cứ điểm địch. Bước sang đợt tiến công thứ 3, ta được tăng cường một tiểu đoàn DKZ 75mm và một tiểu đoàn H6 (hỏa tiễn) do Trung đoàn 676 phụ trách. Đây là một đòn bất ngờ đối với quân địch, đẩy nhanh sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc chiến dịch.
Cao điểm phía Đông cuối cùng bị tiêu diệt trước khi ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào hầm chỉ huy của De Castries là C2 cũng được ưu tiên 200 đạn pháo 105mm. Ngay sau đó, đại bác của ta tiếp tục chế áp địch tại cánh đồng Mường Thanh. Lần lượt từng cụm địch nhỏ phía xung quanh hầm chỉ huy Pháp bốc cháy, quân địch rút chạy toán loạn, số khác giơ cờ trắng, nhiều tên vứt súng xuống sông Nậm Rốm, ra hiệu đầu hàng.
Thừa cơ, bộ đội ta từ các hướng tiến lên xung phong, bao vây hầm De Castries. 5 giờ 30 phút chiều 7 tháng 5, Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries". Theo một số tài liệu, trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hết hơn 110.000 đạn pháo cỡ 105mm trở lại. Trong khi đó, quân ta chỉ bắn hết khoảng 20.000 quả pháo 105mm. Một con số thấp hơn nhiều lần, nhưng hiệu quả đạt được lại rất cao.
Như vậy vai trò của pháo binh trong trận đánh này là vô cùng quan trọng, ta đã thành công trong việc tổ chức đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh mà trước đó chưa từng áp dụng. Sau này Đại đoàn Pháo binh tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng".
Theo Báo Quân đội nhân dân/Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: