16/08/2023 10:03
Xung quanh kết quả đạt được trong công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết:
Công tác hội và phong trào nông dân của tỉnh nhiệm kỳ qua đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cuối nhiệm kỳ, có 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt so nghị quyết.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, ý thức pháp luật đến hội viện, nông dân được đẩy mạnh. Hội kết nạp mới 70.000 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên 186.296 người.
Hội bồi dưỡng, giới thiệu 1.348 hội viên, nông dân ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên là hội viên, nông dân toàn tỉnh đến nay 14.367 hội viên.
Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp tục được tăng cường, đáp ứng tốt nhu cầu của hội viên, nông dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản.
Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong nhân dân được nhân rộng đã khơi dậy lòng đam mê làm giàu, vượt khó vươn lên ở nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hội hướng dẫn thành lập mới 208 chi hội hội nông dân nghề nghiệp, 271 tổ hội nông dân nghề nghiệp, vận động thành lập 366 tổ hợp tác, 82 hợp tác xã.
Cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh hiến 92ha đất, góp hơn 3.780 ngày công lao động, ủng hộ trên 3,5 tỷ đồng tham gia xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 371km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, xây mới 319 nhà ở cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây mới 6 cây cầu bê tông…
- Phóng viên: Hội đã đồng hành cùng nông dân giảm nghèo, làm giàu như thế nào, thưa đồng chí?
- Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Xác định việc hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, các cấp hội quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình mới trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp; định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học, công nghệ, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bìa trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình vườn cây ăn trái canh tác theo hướng an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng).
Hội hỗ trợ xây dựng 462 mô hình kinh tế có hiệu quả, tăng 15% so đầu nhiệm kỳ. Riêng Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình như sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, trồng rau an toàn sinh học, nuôi tôm hữu cơ trên đất lúa… tổng kinh phí thực hiện trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm dài hạn giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật...
Từ nỗ lực của các cấp hội, sự hỗ trợ của các ngành, các mô hình kinh tế của nông dân phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiệm kỳ qua, tỉnh có gần 350.400 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 24,7% so nhiệm kỳ trước.
Nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất, kinh doanh hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động tại chỗ, hỗ trợ giống, vật tư gần 7 tỷ đồng, giúp đỡ 2.184 hộ nông dân thoát nghèo bền vững, vượt 220% nghị quyết, góp phần giảm hộ nghèo khu vực nông thôn từ 4,14% năm 2018 còn 1,9% năm 2022.
- Phóng viên: Để tiếp tục đưa công tác hội và phong trào nông dân phát triển hơn nữa trong nhiệm kỳ mới, theo đồng chí cần tập trung vào những nhiệm vụ nào?
- Đồng chí Đỗ Trần Thịnh: Để tiếp tục đưa công tác hội và phong trào nông dân phát triển hơn nữa trong nhiệm kỳ mới, hội xác định tập trung thực hiện 3 khâu đột phá.
Đồng chí Đỗ Trần Thịnh (bên trái) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn bưởi da xanh ruột hồng 20ha của ông Huỳnh Trí Thức - hội viên Chi hội Nông dân ấp An Hưng, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng).
Một là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có đạo đức, năng lực, uy tín, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu, đặc biệt chú trọng chuẩn hóa, trẻ hóa và thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trọng tình hình mới.
Hai là, nâng cao năng lực số hóa nhằm hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân nâng tầm nhận thức, tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào đời sống, sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh.
Ba là, tăng cường xây dựng, nhân rộng mô hình hợp tác sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường, trọng tâm là các mô hình trong lĩnh vực kinh tế biển, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, mô hình dịch vụ, du lịch sinh thái nông thôn; ưu tiên hỗ trợ các mô hình mới, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
ĐẶNG LINH thực hiện
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: