08/03/2023 15:40
Đồng chí Trần Thị Chánh (Năm Định) (bên trái) và Nguyễn Ngọc Ánh trong một lần đi dự họp mặt truyền thống tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1949 tại xã Vĩnh Hòa Hưng (Gò Quao) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngọc Ánh sớm mồ côi mẹ. Khi lớn lên, đồng chí nhìn thấy những dòng sông quê nhà dập dềnh tàu giặc. Những đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương quân của huyện nhận chìm chúng trên những dòng sông này. Trái tim thiếu nữ của Ngọc Ánh rung theo tiếng pháo gầm, bom dội trên quê hương.
Tháng 10-1965, cô gái 16 tuổi khi Ngọc Ánh quyết định viết đơn tình nguyện đi bộ đội, lúc đó ông Nguyễn Hùng Khánh (ba của Ánh) đang ở một đơn vị bộ đội và sau đó giữ nhiều chức vụ trong cơ quan dân chính Đảng. Vì còn nhỏ và là nữ nên Huyện ủy Gò Quao nhận Ngọc Ánh vào cơ quan Huyện ủy, giao nhiệm vụ giao liên và làm y tá cho cơ quan. Ngọc Ánh chấp hành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 7-1967, Ngọc Ánh được giao thêm nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng tiểu đội nữ địa phương quân huyện Gò Quao. Nhận thêm nhiệm vụ mới, Ngọc Ánh làm việc quên mình, hoàn thành xuất sắc công việc giao liên, văn thư, y tá phục vụ cơ quan và tham gia công tác huấn luyện tiểu đội nữ. Tháng 11 năm ấy, Ngọc Ánh vinh dự được đứng vào hàng ngũ chiến đấu của Đảng.
Xuân Mậu Thân 1968, cả nước mang hào khí chiến thắng của Quang Trung, Điện Biên Phủ ra trận với khí thế “Một ngày bằng 20 năm”, đồng chí Ngọc Ánh cùng một số chị em trong tiểu đội nữ viết đơn tình nguyện tham gia đơn vị C.112 (tăng cường cho R - miền Đông Nam bộ). Tỉnh ủy giữ lại những lá đơn nhiệt huyết tuổi trẻ của các chị và chỉ đạo cho các ban, ngành của tỉnh Rạch Giá thành lập ngay đội thanh niên xung phong, trực tiếp làm nhiệm vụ đưa cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 207 của tỉnh tiến đánh vào TX. Rạch Giá trong đợt 1 cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Đồng chí Ngọc Ánh đang trong tư thế sẵn sàng ra trận như một người chiến sĩ thì tháng 2-1968 đội nữ thanh niên xung phong của đồng chí được lệnh bổ sung vào Đại đội 617 của tỉnh để thành lập đội nữ pháo binh tỉnh. Ngay sau đó, đồng chí được phân công làm tiểu đội trưởng. Ước mơ được cầm súng đánh giặc của đồng chí trở thành hiện thực.
Vì mới thành lập, chưa ai quen bắn pháo nên các đồng chí làm nhiệm vụ vác pháo cả ngày lẫn đêm, trong đó có những trận bứt rút các đồn Gò Đất, Xà Xiêm, So Đũa, Tắc Cậu... của huyện Châu Thành, Máy Nước của TX. Rạch Giá.
Những chiến công dồn dập của đơn vị C.617, đã khích lệ lớn với tiểu đội pháo binh nữ và cả giới nữ trong vùng giải phóng lúc ấy. Với những thành tích xuất sắc, đội nữ pháo binh được Phó Tư lệnh miền Nam Nguyễn Thị Định gửi thư khen ngợi, đồng chí Ngọc Ánh được Tỉnh đội khen thưởng.
Dù đã lập được những thành tích ban đầu, nhưng tiểu đội trưởng tiểu đội pháo binh nữ Nguyễn Ngọc Ánh tiếp tục đề xuất với ban chỉ huy là ban ngày đơn vị nữ tham gia cùng đơn vị nam đánh địch, ban đêm ban chỉ huy cử cán bộ huấn luyện cách sử dụng và bắn pháo cho tiểu đội nữ. Đề xuất hợp lý này được chỉ huy chấp thuận ngay.
Tháng 4-1968, tiểu đội nữ được trang bị súng ĐKZ57 (nên thường được gọi là tiểu đội nữ ĐKZ57) và tham gia trận chiến đấu chống càn độc lập đầu tiên tại ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành B nay là huyện Châu Thành).
Tiểu đội ĐKZ75 của đồng chí Ngọc Ánh cùng đơn vị nam chống càn. Ngọc Ánh chỉ huy tiểu đội nữ và trực tiếp khai hỏa phát súng đầu tiên, bắn đứt dây xích xe M.113 của giặc, bẻ gãy trận càn vào vùng giải phóng của địch. Đến tháng 5-1968, tiểu đội nữ ĐKZ57 được giao nhiệm vụ chặn đánh tàu giặc từ Xẻo Rô vào Tắc Cậu, để Đại đội Thanh Hòa I, Thanh Hòa II tấn công tiêu diệt đồn Tắc Cậu.
Khi đồn Tắc Cậu bị ta bao vây, địch điều tàu chiến từ Hải đoàn Xẻo Rô qua chi viện. Đúng kế hoạch hợp đồng, tiểu đội nữ nổ súng đánh chặn, tàu địch tháo chạy trở lại, không dám tiếp ứng giải vây cho đồng bọn.
Hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn tàu, Tiểu đội pháo binh nữ được lệnh cơ động chi viện cho Đại đội Thanh Hòa I, Thanh Hòa II để tiêu diệt một ổ đề kháng của địch tại đồn Tắc Cậu. Trận này, ta diệt 50 tên địch, đồn Tắc Cậu bị san bằng.
Từ tháng 2-1968 đến cuối năm 1971, Tiểu đội nữ pháo binh của đồng chí Ngọc Ánh tham gia chiến đấu trên 40 trận, diệt hàng trăm tên địch và bắn rơi 2 máy bay. Đơn vị của các chị thường đứng chân trên những vùng chiến sự nóng bỏng như Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, Vĩnh Thuận…
Trong 40 trận chiến đấu độc lập có nhiều trận mang dấu ấn khó quên trong cuộc đời của người nữ pháo binh Nguyễn Ngọc Ánh. Đó là trận chiến đấu tại vàm Hóc Hỏa (An Biên) ngày 12-2-1969.
Hôm ấy, đơn vị của đồng chí vừa hoàn thành nhiệm vụ pháo kích chi khu Gò Quao xong rồi về đóng quân ở tại vàm Hóc Hỏa thì địch cho máy bay đến oanh kích ngay nơi đơn vị đóng quân. Đồng chí Ngọc Ánh chỉ huy cho đơn vị rút nhanh vào ngọn kênh Hóc Hỏa, máy bay địch vẫn đuổi theo đúng nơi các đồng chí rút quân. Nhanh trí, đồng chí phán đoán đơn vị đã bị chỉ điểm nên chỉ huy cho đơn vị tức tốc hành quân trở ra vàm Hóc Hỏa để đào công sự chiến đấu ngay trong đêm.
Sáng ra, đồng chí Ngọc Ánh cho tập hợp đơn vị lại để rút kinh nghiệm diễn biến của các trận máy bay ném bom đêm qua thì 3 chiếc trực thăng từ chi khu Thứ Ba bay đến bắn pháo xối xả vào nơi các đồng chí đang họp.
Nhanh như chớp, đồng chí Ngọc Ánh chỉ huy cho đơn vị xuống công sự, sẵn sàng chiến đấu. Khi mọi người xuống hết công sự, đồng chí Ngọc Ánh ngồi trên nắp công sự mở thùng đạn pháo, lắp liều phóng, chuẩn bị sẵn sàng.
Quan sát tình hình để bắn pháo, đồng chí thấy không thể sử dụng được chân pháo nên quyết định dùng hai tay đỡ nòng pháo 82 ly, lấy tọa độ chính xác và cùng 1 đồng đội nữ bắn ứng dụng 15 quả pháo vào khu vực địch đang tập trung.
Nhiều tên địch bỏ mạng, còn lại tháo chạy lên máy bay, rút về chi khu Thứ Ba. Trận này ta tiêu diệt được 30 tên địch, trong đó có 2 cố vấn Mỹ.
Tháng 11-1969, khi đang đóng quân tại ấp Đường Sân, xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận), Trung đội pháo binh nữ nhận lệnh của cấp trên phải kềm chế 12 khẩu pháo của địch tại đồn Xẻo Cạn, xã Tây Yên (An Biên) để các đơn vị thuộc Trung đoàn 2, Quân khu 9 tấn công tiêu diệt đơn vị địch đang hành quân dã ngoại ở kênh Dân Quân, ấp Kè Một, xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận).
Nhận nhiệm vụ, đơn vị pháo binh nữ bí mật cơ động lực lượng tiếp cận trận địa. Đúng kế hoạch hợp đồng, đơn vị nổ súng chế áp hiệu quả, làm 12 khẩu pháo của địch tại đồn Xẻo Cạn bị vô hiệu, tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc Trung đoàn 2 tiêu diệt gần 300 tên địch. Sau trận này và phối hợp Tiểu đoàn Bộ binh 207 trong nhiều trận đánh khác, đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh được cấp trên đề bạt làm chính trị viên phó đại đội kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh.
Tháng 11-1971, do điều kiện tình hình không thể duy trì được đơn vị nữ pháo binh nên Tỉnh ủy chủ trương giải thể. Từ ngày thành lập tháng 1-1968 đến khi giải thể, Trung đội nữ pháo binh tham gia chiến đấu trên 40 trận, cùng đơn vị bộ binh tiêu diệt và làm tan rã trên 400 tên địch.
Chia tay những đồng đội nữ, đồng chí Ngọc Ánh nhớ từng gương mặt 27 chị em trong trung đội cùng vượt lên gian khổ, anh dũng chiến đấu với mình hơn 4 năm qua. Đồng chí được điều về Tỉnh đội Rạch Giá; sau ngày giải phóng, đồng chí chuyển ngành sang cơ quan dân chính với cấp hàm thiếu tá.
Ngày 3-2-2022, giây phút nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh nói: “Khi vào Đảng, tôi giơ cao nắm tay xin thề nguyện chiến đấu, hy sinh suốt đời vì lý tưởng của Đảng. 55 năm qua, lời thề ấy luôn là động lực để tôi phấn đấu, vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Nghỉ hưu, tôi cũng làm nhiệm vụ đảng viên, không phút giây nào rời xa Đảng”.
Bài và ảnh: THANH XUÂN
(KGO) - Chi cục Dân số là cơ quan hành chính trực thuộc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, với chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và triển khai các hoạt động chuyên môn về dân số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đơn vị này chịu sự chỉ đạo chuyên môn từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế.
Tổng số lượt truy cập: