27/04/2024 10:48
TỔ CHỨC, SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG PHÁO BINH
Nghệ thuật sử dụng pháo binh được phát triển, vận dụng vào thực tiễn một cách tài tình và đầy sáng tạo, hỏa lực pháo binh là “quả đấm thép”, có tác dụng tiêu diệt trận địa đối phương, ghìm đầu bộ binh địch, che chở cho bộ binh ta đột phá, đánh chiếm các mục tiêu và tiêu diệt các cơ sở hậu cần, kỹ thuật, bẻ gãy các đợt phản kích của địch. Trong tác chiến, ta tập trung ưu thế lực lượng pháo binh, chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm địch từ ngoài vào trong, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch; trong chiến dịch ta đã sử dụng 100% lực lượng pháo cơ giới, 80% lực lượng súng cối cỡ lớn, 75% lực lượng sơn pháo (so với tổng số pháo binh hiện có). Do huy động tối đa pháo binh nên ta giành được lợi thế so với địch, ngay từ đầu ta đã tập trung hơn 200 khẩu pháo các loại, đồng thời đưa vào sử dụng những loại pháo mới có tầm bắn xa, uy lực lớn; trong từng trận đánh, ta tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu, mục tiêu chủ yếu và thời cơ quan trọng của chiến dịch tạo ưu thế về hỏa lực pháo binh hơn hẳn pháo binh địch (Ví dụ: Tỷ lệ pháo binh trong trận Him Lam là địch 1, ta 3; trận đồi Độc Lập là địch 1, ta 4,5).
Pháo binh là “quả đấm thép” của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Có ưu thế lực lượng mạnh, tạo được thế bố trí hiểm hóc và vững chắc là cơ sở thuận lợi để vận dụng cách đánh có hiệu quả, quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, pháo binh đã vận dụng linh hoạt các cách đánh: Đánh gần kết hợp với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, dồn dập, kéo dài, gây cho địch nhiều tổn thất về vật chất và căng thẳng về tinh thần. Trong từng trận chiến đấu đều có hỏa lực chuẩn bị và hỏa lực chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự kiên cố, vững chắc. Đặc biệt khi đánh khống chế sân bay, pháo binh ta đã phối hợp chặt chẽ với pháo cao xạ triệt nguồn tiếp tế đường không của địch.
TỔ CHỨC, SỬ DỤNG PHÁO CAO XẠ 37mm, PHÁO HOẢ TIỄN H6
Gần như trong suốt cuộc kháng chiến, quân Pháp luôn làm chủ bầu trời, khiến cho ta gặp không ít khó khăn trong tác chiến. Đầu năm 1953, ta mới được viện trợ 6 tiểu đoàn pháo cao xạ 37mm (ngày 1-4-1953, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Trung đoàn cao xạ 367). Việc pháo cao xạ 37mm lần đầu xung trận, bí mật tiến sát vào cánh đồng Mường Thanh đã làm cho quân Pháp vô cùng bất ngờ và bối rối. Không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, những khẩu pháo này gây thiệt hại to lớn cho quân Pháp, làm cho máy bay của Pháp và máy bay của Mỹ viện trợ cho quân Pháp không còn làm chủ trên không, không còn tự do oanh tạc vào trận địa của quân ta, góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Cùng với pháo cao xạ 37mm, ngày 6-5-1954, lần đầu tiên 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng (pháo Ca-chiu-sa hay còn gọi là H6) đã xung trận, làm cho quân Pháp trên đồi A1, C1 vô cùng khiếp đảm. Hỏa tiễn H6 và khối thuốc nổ 1.000kg trên đồi A1 đã góp phần quan trọng giúp quân ta tiêu diệt quân địch trên đồi A1, đánh tan lá chắn quan trọng cuối cùng bảo vệ Sở chỉ huy của Tướng De Castries ở trung tâm Mường Thanh.
TỔ CHỨC, SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG CÔNG BINH
Từ cuối tháng 12-1953, lực lượng công binh chuyển sang bảo đảm đường cho xe kéo pháo vào Điện Biên Phủ để thực hiện ý định ban đầu “đánh nhanh, giải quyết nhanh” của Bộ chỉ huy chiến dịch, bảo đảm cho xe kéo pháo nhanh chóng vào mặt trận, nhờ xác định rõ mức độ sửa đường, tổ chức thi công chặt chẽ nên việc sửa đường hoàn thành đúng thời hạn, bảo đảm cho cơ động bí mật, an toàn. Ngay từ giai đoạn đầu chiến dịch, ta đã sớm hình thành thế trận bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm tới tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của địch, hầm hào đã trở thành một phương tiện tiến công tích cực, có hiệu quả.
Công binh bắc cầu phao qua sông phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu
Trong suốt giai đoạn chuẩn bị và thực hành chiến dịch, lực lượng công binh hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng pháo binh xây dựng hệ thống công sự cho pháo vững chắc, bí mật, bất ngờ. Trận địa pháo binh ta đặt kín đáo trên các sườn núi vây quanh Điện Biên Phủ và trong tầm bắn có lợi nhất vào khu vực mục tiêu, thực hiện “lên cao, vào gần, bắn thắng” bảo đảm cho việc phát huy sức mạnh hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch.
Sử dụng lực lượng công binh mở cửa qua vật cản của địch, đánh bộc phá lớn đồi A1 cũng là nhiệm vụ quan trọng trong bảo đảm công binh cơ động lực lượng, đây là cuộc chiến đấu quyết liệt và quyết định thành công của việc mở đầu đột phá cứ điểm địch; do địch bố trí vật cản dày đặc xung quanh cứ điểm và có hỏa lực bảo vệ rất chặt chẽ song ở thời điểm đó, ta chưa có khí tài chuyên dụng để mở cửa mà ta phải dùng người lần lượt đưa thuốc nổ vào bãi vật cản của địch nên gặp rất nhiều hy sinh, gian khổ. Trong trận đồi A1, cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch kéo dài gần một tháng. Để tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, lực lượng công binh đã phải thực hiện phương án đào hầm ngầm, đưa lượng nổ lớn vào phá công sự kiên cố của địch trên đồi A1.
TỔ CHỨC, SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG THÔNG TIN
Tính đến thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên cơ quan tham mưu chiến dịch đã tổ chức một hệ thống thông tin quy mô lớn để bảo đảm cho công tác chỉ huy chiến dịch. Hệ thống thông tin đã được thiết kế gồm đường thông tin nối liền Bộ chỉ huy chiến dịch xuống các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hệ thống thông tin hợp đồng giữa các đơn vị, các binh chủng (đặc biệt là giữa các đại đoàn bộ binh với các tiểu đoàn lựu pháo), hệ thống thông tin giữa Bộ chỉ huy chiến dịch với các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh ở phía sau, giữa Đảng ủy Mặt trận với Trung ương, giữa Mặt trận Điện Biên Phủ với Tỉnh ủy và Tỉnh đội Lai Châu, Huyện ủy và Huyện đội Điện Biên, với các chiến trường phối hợp trong cả nước và các chiến trường bạn.
Nhờ có hệ thống thông tin hoàn chỉnh mà từ Sở chỉ huy ở Mường Phăng, Bộ Tổng tư lệnh tiền phương vẫn theo dõi sát sao và chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường trọng điểm Điện Biên Phủ với các chiến trường trong cả nước, từ Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam trên các chiến trường.
TỔ CHỨC, SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG VẬN TẢI
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta huy động một lực lượng phương tiện vận tải lớn, ngoài lực lượng vận tải cơ giới còn lực lượng vận tải gánh vác bộ hùng hậu của hàng chục vạn dân công (20.991 xe đạp thồ, 7.000 xe cút kít, 736 xe trâu, 500 xe ngựa cùng hàng nghìn bè, mảng, thuyền...); với khối lượng vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm và vũ khí, khí tài vào chiến dịch; do vậy, việc bảo đảm đường cho ô tô vận tải hậu cần, kỹ thuật và kéo pháo vào trận địa là nhiệm vụ quan trọng trong suốt chiến dịch.
Ngay từ tháng 10-1953, lực lượng công binh đã phối hợp, hiệp đồng cùng các đơn vị thanh niên xung phong, công nhân giao thông và dân công mở đường bảo đảm vận chuyển bằng đường bộ cho xe cơ giới hàng chục vạn người vận chuyển bằng xe đạp thồ, gánh, vác, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho chiến dịch. Nét nổi bật trong chỉ huy vận tải là tổ chức các tuyến đường hợp lý, tổ chức nhiều hình thức vận tải, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng pháo cao xạ, súng máy phòng không, công binh và dân công kiên cường bám trụ các trục đường, đánh máy bay địch, khắc phục hậu quả do địch đánh phá bảo đảm giao thông thông suốt, cùng với đó công tác bảo đảm kỹ thuật xe, công tác chính trị tư tưởng, nuôi dưỡng bộ đội được quan tâm toàn diện nên công tác vận tải chiến dịch luôn có quyết tâm cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Báo Quân đội nhân dân/Thiếu tướng LƯU QUANG VỤ - Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: