14/10/2022 21:48
NHIỀU CÂY XĂNG HOẠT ĐỘNG LẠI BÌNH THƯỜNG
Theo ghi nhận của phóng viên tại TP. Rạch Giá, đến chiều 14-10, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu hoạt động trở lại bình thường. Người dân không phải xếp hàng chờ đến lượt đổ xăng, vì số lượng người đến đổ xăng cùng lúc tại các cây xăng thưa thớt.
Đa số các cửa hàng xăng, dầu không còn bán xăng theo định mức cho mỗi xe máy như những ngày trước đó, mà sẵn sàng bán theo nhu cầu của khách hàng. Việc mua xăng, dầu phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, kinh doanh bình thường trở lại khiến người dân TP. Rạch Giá phấn khởi.
Ông Hoàng Văn Thau, ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá chia sẻ: “Tôi cảm thấy mừng vì việc mua bán xăng, dầu trở lại bình thường, không còn lo lắng, hoang mang như mấy ngày qua. Bây giờ, mua xăng bao nhiêu cũng được bán, chứ không định mức 30.000 đồng cho mỗi xe máy. Tôi vừa vào cây xăng đã được nhân viên phục vụ ngay”.
Khách đến đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Rạch Giá chiều 14-10 thưa thớt. Ảnh: CẨM TÚ.
Tại huyện Hòn Đất, sáng 14-10, phần lớn các cửa hàng xăng, dầu đã mở cửa trở lại, không còn tình trạng người dân đứng xếp hàng chờ tới lượt đổ xăng. Khách hàng đi mô tô được đổ 50.000 đồng/lần, ô tô được đổ tối đa 500.000 đồng/lần.
Ông Lê Văn Thuận ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất cho biết: “So với cách đây 2 ngày, tình hình khan hiếm xăng, dầu trên địa bàn huyện không còn. Nhiều cửa hàng đã mở cửa trở lại, tôi đã đổ được xăng mà không cần phải xếp hàng chờ đợi”.
Tại huyện Giồng Riềng, phần lớn cửa hàng xăng, dầu đều cũng mở bán bình thường. Tại một số xã giáp ranh với TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang như Hòa Lợi, Hòa Hưng, Ngọc Hòa, cây xăng không có tình trạng xếp hàng như một số nơi.
NGUỒN HÀNG ÍT NÊN BÁN GIỚI HẠN, NGHỈ SỚM
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc quốc lộ 61 đoạn qua thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, phần lớn các cây xăng thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xăng dầu Kiên Giang (Petrolimex Kiên Giang) và Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang đã mở bán. Tuy nhiên, mỗi người dân chỉ được đổ xăng đối đa 30.000 đồng.
Một cây xăng trên địa bàn huyện Châu Thành mở cửa trở lại. Ảnh: DANH THÀNH.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thuận, đến 15 giờ ngày 14-10, huyện có 8 cửa hàng hết xăng, hết dầu; 17 cửa hàng hết xăng. Còn lại các cửa hàng hoạt động bình thường, nhưng một số cửa hàng chỉ bán cầm chừng với định mức 30.000 đồng/xe máy.
Riêng cửa hàng số 38, 36 Thanh Thanh Trúc bán xăng theo yêu cầu của người tiêu dùng nhưng chỉ bán khoảng 3-4 giờ là hết xăng.
Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Kim Thủy, huyện Vinh Thuận hết xăng, còn dầu ngày 13-10. Ảnh: DƯƠNG TUẤN
Ở khu vực trung tâm xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, một số người dân vẫn phải xếp hàng để đổ xăng. Các cây xăng đổ cho xe máy từ 30.000-50.000 đồng/lượt. Theo người dân, vài ngày gần dây xuất hiện tình trạng một nơi bán lẻ xăng với giá 30.000 đồng/lít. Nhiều người dân cần xăng gấp vẫn chấp nhận mua xăng ở nơi bán lẻ dù giá cao.
Tại huyện Tân Hiệp, do nhu cầu tăng cao, nhiều cửa hàng xăng, dầu tiếp tục khống chế số lượng bán để duy trì hoạt động. “Giờ đổ được bao nhiêu cũng mừng, chạy tới đâu thì đổ tới đó. Cây xăng muốn bán bao nhiêu thì mình mua bấy nhiêu, muốn nhiều hơn cũng không được”, chị Võ Ngọc Như, ngụ huyện Tân Hiệp nói.
Một nhân viên tại cửa hàng xăng, dầu T.V, huyện Tân Hiệp cho biết, mỗi ngày cửa hàng chỉ có xăng bán vài tiếng đồng hồ vì lượng nhập rất ít, chỉ được vài mét khối. Cửa hàng đổ theo nhu cầu, không hạn chế số lượng nhưng đến khi hết xăng cửa hàng sẽ tạm ngưng hoạt động chờ nhập hàng để bán tiếp.
Cây xăng ở quốc lộ 80, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp treo bảng hết xăng. Ảnh: THỦY TIÊN.
Đại diện một số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn huyện Hòn Đất cho biết, hiện tại, các thương nhân phân phối xăng, dầu cho cửa hàng từ 1.000-2.000 lít/ cửa hàng. Khoảng 3-4 ngày cấp 1 lần. Vì vậy, các cửa hàng không có hàng để bán hoặc bán cầm chừng cho khách trong thời gian đợi thương nhân phân phối cung cấp nguồn hàng.
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Biên - Nguyễn Quốc Đượm cho biết, phòng phối hợp Đội quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiến hành giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn huyện An Biên.
Đến chiều 14-10, huyện An Biên có 27/34 cửa hàng hết xăng, còn dầu. 7 cửa hàng xăng, dầu đang hoạt động bình thường nhưng đổ giới hạn mỗi xe chỉ đến mức 20.000 đồng. “Nếu nguồn cung ứng xăng, dầu 3 ngày tới còn gián đoạn thì khả năng không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trên địa bàn huyện An Biên”, đồng chí Nguyễn Quốc Đượm nói.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Đượm, đa phần các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng, dầu không đảm bảo với số lượng so yêu cầu đặt hàng. Đa số cửa hàng chỉ bán dầu với số lượng lớn cho các đầu mối thân quen, không bán cho khách lạ. Trên địa bàn huyện An Biên có trường hợp người dân tự tích trữ xăng, dầu bằng can nhựa, vì nắm thông tin từ mạng xã hội về việc khan hiếm xăng dầu thời gian tới.
TIẾP TỤC “CỬA ĐÓNG, THEN CÀI”
Sáng 14-10, nhiều cây xăng, dầu trên địa bàn huyện U Minh Thượng tiếp tục đóng cửa do hết hàng. Một số nơi mở cửa nhưng để bảng hết xăng, chỉ bán dầu. Một số nơi còn xăng, dầu, nhưng nguồn cung hạn chế.
Cây xăng, dầu trên địa bàn huyện U Minh Thượng đóng cửa, sáng 14-10. Ảnh: THU OANH.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng - Dương Quốc Khởi cho biết, tính đến chiều ngày 13-10, trong tổng 22 cửa hàng xăng, dầu đang hoạt động trên địa bàn huyện có 6 cửa hàng hết xăng, hết dầu; 19 cửa hàng hết xăng; 6 cửa hàng hết dầu. Ủy ban nhân dân huyện, xã và các ngành chức năng vẫn đang nắm tình hình, kiên quyết xử lý nếu có vi phạm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Do thiếu xăng, dầu, nhiều người dân ở gần khu vực trung tâm huyện U Minh Thượng phải chạy ngược, xuôi tìm nơi đổ xăng. Chị Lê Tú Quyên, ngụ ấp Đặng Văn Do, xã Thạnh Yên cho biết: “Sáng nay, tôi chạy tới 3 cây xăng ở khu vực trung tâm huyện mà chỗ nào cũng đóng cửa nên tôi chưa đổ được xăng. Hôm qua, mấy cây xăng này còn cho xe máy đổ 30.000 đồng, sáng nay thì đóng cửa”.
Qua khảo sát của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòn Đất, trên địa bàn huyện có 75 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Đến sáng 14-10, huyện vẫn còn tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đóng cửa, treo biển hết xăng.
Người dân đổ xăng tại cây xăng Nam Thành cửa hàng số 1, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, sáng 14-10. Ảnh: THÙY TRANG.
Tương tự, tại huyện Châu Thành, nhiều cây xăng thuộc doanh nghiệp tư nhân vẫn “cửa đóng, then cài”.
Xe hết xăng phải dắt đoạn đường gần 2km, anh Võ Mạnh Hào, ngụ ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành lo lắng: “Mấy hôm nay, tôi thấy báo Kiên Giang điện tử đã phản ánh rất nhiều về vấn đề cây xăng, dầu đóng cửa. Đến nay, tôi thấy có sự cải thiện nhưng vẫn còn nhiều cây xăng tư nhân chưa mở cửa vì hết xăng. Tôi mong vấn đề này sớm được ngành chức năng giải quyết để đảm bảo cho sinh hoạt của người dân”.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện An Minh - Huỳnh Minh Nhì, đến ngày 14-10, trên địa bàn huyện có 7/38 cửa hàng xăng đóng cửa. Các cửa hàng còn bán xăng, dầu chỉ đổ cho mô tô 30.000 đồng/lượt, ô tô 100.000 đồng/lượt.
Một cây xăng trên địa bàn thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh đang hoạt động, ngày 14-10. Ảnh: THANH DƯ
DÂN LO ẢNH HƯỞNG SẢN XUẤT
Nguồn cung xăng, dầu vẫn còn gặp khó khiến không ít người dân lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Nhất, ngụ ấp Kênh 13, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận chia sẻ: “Nhiều cửa hàng hết dầu, tôi muốn mua dầu về bơm nước vuông tôm cũng rất khó khăn. Ở xóm tôi, nhiều gia đình phải đưa đón con đi học hàng ngày mà phải đi xa mới đổ được xăng, lại còn bị giới hạn. Việc đổ xăng nhiều lần gây khó khăn và tốn kém".
Anh Danh Thanh Khanh, ngụ khu phố Minh Lạc, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành nói: “Trên địa bàn có nhiều cây xăng mở cửa, nhưng chỉ bán 30.000 đồng thì người dân cũng gặp khó. Riêng tôi chạy xuồng máy làm nghề giăng lưới vào mùa nước nổi, mấy hôm nay tấn bật đi kiếm chổ mua xăng nhưng chỉ được 30.000 đồng không đủ sử dụng”.
Nông dân Kiên Giang lo lắng tình trạng thiếu xăng, dầu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa đông xuân 2022-2023. Ảnh: ĐÔNG HƯNG.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa đông xuân 2022-2023 lớn trong cả nước với hơn 290.000ha. Tình hình thiếu xăng, dầu như hiện nay khiến người dân lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lúa.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng - Huỳnh Khai Sị cho biết, toàn xã chỉ có 1 cây xăng nhưng đã hơn 1 tuần nay treo bảng “tạm nghỉ”. “Với tình hình xăng, dầu hiện nay lo ngại nhất là người dân không đủ nhiên liệu cho máy móc cày ải, trục đất, làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ lúa đông xuân 2022-2023 theo khung thời vụ chung của huyện, tỉnh”.
Nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp - Trần Trường Giang yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ trì phối hợp Công an huyện, đội quản lý thị trường số 6 và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn huyện; kịp thời xử lý các trường hợp đóng cửa, không bán hàng mà không có lý do chính đáng.
CHỦ CỬA HÀNG THAN LỖ
Theo một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tư nhân cho biết, dù giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng, nhưng các cửa hàng vẫn gặp khó khăn, thậm chí lỗ, do chiết khấu thấp.
Anh H.V.K - chủ cửa hàng xăng dầu H.V.Đ ở huyện Giồng Riềng cho biết, tình hình kinh doanh khó khăn nên anh đã tạm ngưng hoạt động sau khi bán hết lượng xăng, dầu trong bồn. Anh K than: “Nếu các công ty lớn duy trì bán xăng, dầu với mức chiết khấu chỉ 50-100 đồng/lít cho các đại lý bán bán lẻ như thời gian qua thì mỗi tháng tôi lỗ từ 60-70 triệu đồng”.
Người dân đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Lê Phú, khu phố 6, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng trưa ngày 14-10. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - chủ cửa hàng xăng dầu Nguyễn Thanh Hùng, ấp Hòa B, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng cho biết: “Giá xăng nhập vào hiện là 21.900 đồng/lít, giá dầu 24.080 đồng/lit, trong khi giá bán ra với xăng là 22.000 đồng, dầu 24.180 đồng/lít. Nếu cộng tất cả chi phí thuê xe bồn, nhân công, thuế giá trị gia tăng thì thu không đủ bù chi, người bán cầm chắc thua lỗ. Tình trạng này đã kéo dài hơn 2 tháng nay, cửa hàng nhỏ bán xăng, dầu vô cùng khó khăn”.
Dù khó khăn, nhưng ông Hùng vẫn mở cửa bán nhiên liệu cho người dân phục vụ đầu vụ sản xuất và sinh hoạt. “Nếu Chính phủ, các bộ, ngành không sớm có giải pháp điều chỉnh mức chiết khấu cho các đại lý bán lẻ thì những ngày tới hoạt động kinh doanh của các đại lý đã khó càng thêm rối”, ông Hùng nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN - CỘNG TÁC VIÊN
(KGO) - Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đang được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ và hướng đi đúng đắn. Những nỗ lực này đã mang lại chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Kết quả đạt được đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định cam kết bảo vệ lợi ích chung và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Tổng số lượt truy cập: