28/04/2023 16:03
Nhân dân Rạch Giá đón mừng bộ đội vào giải phóng Rạch Giá năm 1975. Ảnh T.L (minh họa).
Bà Dương Kim Đức sinh năm 1935 tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu (có thời gian huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Rạch Giá). Đình chiến năm 1954, gia đình bà là cơ sở cách mạng, bà làm giao liên mật cho cán bộ được phân công ở lại miền Nam. Năm 1956, bà tham gia cách mạng, làm giao liên mật và tham gia một số nhiệm vụ do Chi bộ xã Vĩnh Lộc phân công. Lúc đó, ông Trương Văn Đáng - chồng bà Hai Hậu được phân công ở lại miền Nam hoạt động bí mật tại xã Vĩnh Lộc.
Ngày 22-4-1957, tên ác ôn Lâm Quang Phòng dẫn lính từ Chi khu An Phước (Vĩnh Thuận) càn vào xã Vĩnh Lộc, chúng chia nhiều mũi để vây bắt cán bộ nằm vùng hoạt động bí mật tại xã Vĩnh Lộc do bọn gián điệp chỉ điểm. Ông Đáng bị chúng bắn vào chân nên khi chạy ra đến bờ ruộng ông quỵ xuống không chạy được. Nghĩ mình có thể sa vào tay giặc, ông Đáng lấy tất cả tài liệu giấu dưới lớp đất cày. Bọn giặc đuổi theo, bắn vào giữa trán, ông ngã xuống ngay chỗ chôn giấu tài liệu. Bọn giặc đến, thấy ông chết chúng bỏ đi nên tất cả tài liệu ông giấu dưới đất bọn giặc không phát hiện được.
Khi nhận xác chồng chôn cất, bà Hai Hậu tìm khắp người ông không có tài liệu gì, bà nói với mọi người đến dự đám tang, có cả bọn chỉ điểm, tề điệp theo dõi: “Chồng tôi đi cày ruộng bị lính càn vô giết chết”. Dù đau đớn trước cái chết của chồng nhưng bà Hai Hậu nén đau thương, vận động người dân lên quận đấu tranh vạch trần tội ác của giặc không thi hành Hiệp định Genève, càn vô làng xóm bắn giết người dân vô tội. Lần ấy, cuộc đấu tranh trực diện thắng lợi nhưng bà bị giặc khoanh vùng, ghi vào “sổ bìa đen” để người dân không dám lui tới gia đình bà vì sợ liên lụy. Đó là hình thức cô lập gia đình cách mạng thâm độc của kẻ thù.
Năm 1960, bà Hai Hậu gửi hai con Trương Thành Nhơn và Trương Ngọc Điệp cho người dì bên chồng đưa về xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá nuôi. Khi gửi hai con cho người thân, bà Hai Hậu yên tâm hoạt động hợp pháp, bán hợp pháp trên địa bàn huyện Hồng Dân.
Cuối năm 1968, bà Hai Hậu bị bắt tại Sóc Trăng do một tên đầu hàng chỉ điểm, lúc đó bà là Thường vụ Thị ủy, phụ trách đội biệt động của thị xã Sóc Trăng. Giấy tờ tùy thân của bà là tên của phụ nữ khác, có chồng là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, ở Sư đoàn 1, chết trận tại Buôn Mê Thuột.
Dù không có chứng cứ nhưng giặc vẫn tra tấn và thẩm vấn bà về những gì tên chiêu hồi khai. Vào Khám Lớn, bà Hai Hậu bắt được liên lạc với chi bộ nhà tù và làm bí thư chi bộ. Tên chiêu hồi sau đó còn khai báo nhiều tổ chức, cơ sở khác, nhiều đồng chí ta bị bắt. Khi bà Hai Hậu vừa được thả, đội biệt động thị xã ám sát tên này rồi để bản cáo trạng lên ngực y.
Năm 1970, sau khi ra tù, Tỉnh ủy Sóc Trăng chính thức bổ sung bà Hai Hậu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Sóc Trăng nhưng bà không thể ở lại hoạt động hợp pháp tại Sóc Trăng vì bị lộ mà phải chuyển qua thị xã Rạch Giá, lấy tên mới để hoạt động hợp pháp là Nguyễn Thị Phước - Phó Bí thư Thị ủy Rạch Giá, được bổ sung vào Tỉnh ủy Rạch Giá.
Năm 1972, khi ra thị xã Rạch Giá, bà Hai Hậu ở nhà ông giáo Huân, liên hệ làm việc với các đảng viên hoạt động hợp pháp và cơ sở trong nội thành là các ông Phan Anh, ông Ba Phát, Hai Thiện…
Những ngày gần cuối tháng 4-1975, bà Hai Hậu và một số đồng chí hoạt động trong nội ô Rạch Giá về cứ họp để lĩnh hội tình hình mới quyết tâm của Đảng giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang và đoàn thể của thị xã Rạch Giá phối hợp lực lượng quân sự của tỉnh chiếm mục tiêu trọng yếu, vận động nhân dân may cờ Mặt trận để treo khi thị xã được giải phóng.
Đúng lúc đó, một nữ đồng chí thị ủy viên bị giặc bắt, do bị chỉ điểm, bà Hai Hậu nhanh trí đi từ chợ nhà lồng về nhà ông Ba Phát - đảng viên hợp pháp, chủ tiệm uốn tóc Đông Quang Mới, đường Duy Tân (thị xã Rạch Giá). Vào tiệm, bà nói nhỏ với ông Ba Phát: “Anh cắt tóc cao cho tôi nhanh đi, tình hình ngoài chợ căng lắm”. Cắt tóc xong, bà thay bộ quần áo khác, trở thành người lạ ngay trong mắt mọi người, không ai nhận ra bà.
Thấy tình hình căng thẳng từ ngoài chợ và vợ ông Ba Phát tỏ thái độ nghi ngờ đây là người phụ nữ có thể được chồng mình dành cảm tình riêng, bà Hai Hậu gọi vợ ông Ba Phát lại và nói: “Tôi là cán bộ cách mạng, có trách nhiệm lo cho dân, cho nước, giải phóng cho đồng bào đô thị khỏi bị đàn áp, bắt lính, tự do làm ăn. Gia đình chị giúp đỡ tôi là giúp đỡ cách mạng…” Lúc đó, vợ ông Ba Phát vui vẻ nhận lời và tận tình giúp đỡ bà. Bà và vợ ông Ba Phát bàn tình huống đối phó với cảnh sát. Từng có kinh nghiệm hoạt động trong nội thành, bà bàn với vợ ông Ba Phát: “Chị ra tiệm vàng mua mấy chiếc nhẫn vàng, mỗi chiếc 5 phân, khi cảnh sát ập vào, chi lựa lời đối phó và tặng quà cho chúng”. Vợ ông Ba Phát thấy cách này khả thi nên làm theo.
Chiều 30-4-1975, các lực lượng vũ trang của thị xã Rạch Giá và lực lượng vũ trang của tỉnh vào đến thị xã, bà Hai Hậu và nhiều đồng chí trong ban phụ vận thị xã, thị đoàn hoạt động hợp pháp, đóng vai công nhân, mua gánh bán bưng, học sinh, sinh viên… bây giờ trở thành lực lượng tiếp quản thị xã, vai trò lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của thị xã. Nhiều người dân nuôi chứa có người ngỡ ngàng, có người vừa kêu lên mừng rỡ, tự hào vì cán bộ mình từng nuôi chứa đang đứng trước mặt nhân dân tuyên truyền về sự thành công của cách mạng.
Chiến tranh lấy đi của bà Dương Kim Đức nhiều thứ, hòa bình, bà được an ủi khi con cháu nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình; trong đó đồng chí Trương Thành Nhơn làm bộ đội; đồng chí Trương Ngọc Điệp - Thị ủy viên 3 nhiệm kỳ, nguyên Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Rạch Giá; đồng chí Lâm Ngọc Bích - cháu ngoại của bà hiện là Thành ủy viên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Rạch Giá.
THANH XUÂN
(KGO) - Chi cục Dân số là cơ quan hành chính trực thuộc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, với chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và triển khai các hoạt động chuyên môn về dân số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đơn vị này chịu sự chỉ đạo chuyên môn từ Cục Dân số thuộc Bộ Y tế.
Tổng số lượt truy cập: