25/10/2022 14:52
Đồng chí Lê Thị Vệ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang tiếp và làm việc với đoàn.
Kiên Giang có 12 tôn giáo, nhìn chung hoạt động của các tôn giáo diễn ra đúng quy định pháp luật. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập được 1 chi đoàn và 26 chi hội liên hiệp thanh niên trong các chùa Phật giáo Nam tông; 2 câu lạc bộ phụ nữ trong Công giáo, 12 tổ hội phụ nữ ở địa bàn có đông tín đồ tôn giáo và cơ sở thờ tự của Công giáo, Tin lành, Cao đài...
Đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội phát triển 142.785 đoàn viên, hội viên là người có đạo, chiếm 20,57% so tổng số đoàn viên, hội viên toàn tỉnh.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh Kiên Giang đã đóng góp cho xã hội trên 150 tỷ đồng để xây dựng nhà an cư lạc nghiệp, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, chăm lo cho học sinh nghèo…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Phạm Thanh Hùng (đứng) phát biểu về xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo.
Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh xây dựng 174 vị cốt cán đặc thù và 1.317 vị cốt cán phong trào; cấp huyện xây dựng được 205 vị cốt cán đặc thù và 1.397 vị cốt cán phong trào.
Đội ngũ cốt cán hầu hết là chức sắc, chức việc, người có uy tín tham gia tích cực công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo nói riêng trong tín đồ.
Về hoạt động tín ngưỡng, Kiên Giang hiện có 502 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 482 cơ sở tín ngưỡng cộng đồng dân cư, 20 cơ sở nhà thờ dòng họ của cá nhân, hộ gia đình. Tình hình hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, các lễ hội tín ngưỡng phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống mang lại giá trị tinh thần cho cộng đồng.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hiện tượng tôn giáo mới. Hội nghị đã thảo luận, đánh giá thêm về tình hình này.
Dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về các hiện tượng tôn giáo mới đã phát sinh ở nước ta để các địa phương nắm.
Đồng thời, hướng dẫn áp dụng các văn bản pháp luật liên quan để xử lý đối với hiện tượng tôn giáo mới có hình thức sinh hoạt mang tính mê tín, trái truyền thống, ảnh hưởng an ninh, trật tự.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực ghi nhận, đánh giá cao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từng bước đưa chủ trương, chính sách về tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.
Đồng chí Ngô Sách Thực nhấn mạnh thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò trong tập hợp đồng bào tôn giáo; trong đó chủ động phát huy vai trò của các vị cốt cán phong trào của các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp hướng dẫn tôn giáo hoạt động đúng quy định pháp luật.
Đồng chí Ngô Sách Thực tiếp thu, ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, trong đó có hiện tượng tôn giáo mới, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tín ngưỡng, tôn giáo để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là các quy định về đất đai, xây dựng công trình tôn giáo, y tế, giáo dục…
Tin và ảnh: THU OANH
(KGO) - Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đang được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ và hướng đi đúng đắn. Những nỗ lực này đã mang lại chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Kết quả đạt được đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định cam kết bảo vệ lợi ích chung và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Tổng số lượt truy cập: