25/09/2022 17:02
ÁC MỘNG “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO”
Ngày 24-9, sau một ngày được trở về Việt Nam, em P.M.P (sinh năm 2006), ngụ thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chưa hết bàng hoàng vì nửa tháng qua em bị lừa qua Campuchia làm việc.
P.M.P kể em lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm, có người nhắn tin hỏi thông tin và hứa hẹn giới thiệu “việc nhẹ lương cao” cho em, chỉ cần biết đánh chữ trên máy vi tính, mỗi tháng sẽ trả 1.000 USD và không cần đi nước ngoài.
Tin lời dụ dỗ, P.M.P và em N.T.T (sinh năm 2004), cùng ngụ huyện Hòn Đất bắt xe lên bến xe miền Tây (TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, có xe rước hai em lên Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Hứa hẹn là chỉ làm việc ở biên giới, tuy nhiên, P và T bị chở theo đường mòn tới Campuchia.
Ở Campuchia, P.M.P được đưa vào tòa nhà có người nói tiếng Trung Quốc và em bị bắt làm việc 14 giờ/ngày. Công việc chủ yếu là lên mạng dụ dỗ người khác chơi tiền ảo.
“Em không thích công việc đó vì từ trước đến nay, em không lừa đảo ai nên trò chuyện với khách nhưng em chưa dụ được ai. Nhân viên cũ nếu không tìm được khách sẽ bị quản lý đánh, bị bán cho công ty khác. Nếu chống cự, quản lý kêu vào phòng phạt rất nặng bằng dùi cui, bị chích điện nên em sợ lắm”, P.M.P kể.
Công dân Việt Nam được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) tiếp nhận và hỗ trợ bánh mì, nước uống, chiều 23-9.
P.M.P nghẹn ngào tâm sự: “Sai lầm lớn nhất của em là ra nước ngoài làm việc, không bao giờ có “việc nhẹ lương cao”. Công ty cho biết nếu các em muốn về lại Việt Nam phải đưa tiền chuộc lên đến 2.800 USD. Gia đình em nghèo, không có tiền chuộc. Ngày được về Việt Nam, đặt chân đến cửa khẩu em mừng không kể hết…”.
Em N.T.P (sinh năm1996), ngụ xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp qua Campuchia từ ngày 27-8-2022. N.T.P được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Preah Sihanouk (Vương quốc Campuchia) giải cứu và được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tiếp nhận.
Với mong muốn đi làm kiếm tiền về nuôi vợ và con nhỏ mới 1 tuổi, N.T.P tin lời một người lạ trên Facebook, rồi bị lừa sang tận Campuchia.
Khi biết bị lừa, N.T.P tìm cách liên lạc với gia đình để giải cứu, nhưng công ty đòi phải đưa tiền chuộc 8.000 USD. Gia đình không có tiền, N.T.P phải chịu cảnh bị làm việc 14-15 giờ/ngày, không được trả lương mà còn bị đe dọa, uy hiếp.
Lực lượng chức năng làm việc với các công dân Việt Nam để hỗ trợ công dân trở về địa phương.
N.T.P tâm sự: “Quản lý không cho biết tên công ty. Tôi chỉ biết công ty nằm trong khu rừng. Tôi chỉ được ở trên tầng lầu mình làm việc. Người nào đi ra ngoài bị bảo vệ phát hiện sẽ bị đánh, bị chích điện. Tôi thấy có những người Việt làm không đúng ý quản lý cũng bị chích điện, không cho ăn cơm. Quản lý bảo làm sai sẽ bị phạt, bị trừ 800 USD/lần phạm lỗi hoặc bị đánh... Bây giờ được trở về nước, tôi sẽ đi làm đầu bếp ở gần nhà để lo cho vợ con, không dám cả tin nữa”.
Quê ở TP. Hà Tiên, nhưng 10 năm nay, em N.T.T.L (sinh năm 1999) đã lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Khi đang thất nghiệp, L lên mạng tìm việc trên trang Facebook “Tìm việc làm Bình Dương” và được giới thiệu làm công ty may ở tỉnh Bình Dương.
Ngày 9-9-2022, L được gọi đến địa điểm tập kết bến xe An Sương (TP. Hồ Chí Minh) có người rước đi làm công nhân may. Thế nhưng mới lên xe khoảng 20 phút, L ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy L bị nhốt ở một phòng đông người. Nghe người ta nói tiếng Trung Quốc, tiếng Khmer. Nhờ biết tiếng Khmer, L mới biết mình bị bán qua Campuchia.
Quá trình làm việc ở Campuchia, L bị ép lên mạng dụ dỗ khách hàng. “Họ nhốt tôi trong một phòng kín, không thấy ánh mặt trời. Chúng tôi chỉ làm việc, không được nói chuyện, nếu phát hiện nói chuyện với nhau sẽ bị phạt tiền, đánh đập. Có người chống cự, tìm cách nhắn tin về gia đình nhờ công an giải cứu, họ phát hiện rồi đem người đó đi đâu không còn ai thấy nữa…”, L kể.
HỖ TRỢ CÔNG DÂN
Trung tá Nguyễn Hữu Việt - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết thực hiện theo sự chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, chiều 23-9, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tổ chức tiếp nhận 226 công dân Việt Nam từ Campuchia về nước, trong đó có 10 công dân Kiên Giang, còn lại ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, An Giang, Cà Mau…
Một công dân ở tỉnh Kiên Giang (bên phải) tường trình sự việc bị dụ dỗ qua Campuchia làm việc với lực lượng chức năng.
Sau khi tiếp nhận, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên hỗ trợ vật chất, tinh thần cho công dân Việt Nam; đồng thời, tổ chức sàng lọc các công dân. Kết quả có 36 công dân xuất cảnh bằng hộ chiếu theo đúng quy định pháp luật nên đơn vị tổ chức cho nhập cảnh theo đúng quy định pháp luật. 190 công dân, tiếp tục lấy lời khai để sàng lọc.
Đối với công dân xuất cảnh trái phép; công dân xuất cảnh bằng hộ chiếu nhưng qua Campuchia làm việc bị công ty thu giữ hoặc bị mất, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Trung tá Nguyễn Hữu Việt nói: “Đối với công dân không có giấy tờ tùy thân, đơn vị phối hợp Công an TP. Hà Tiên, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh Kiên Giang liên hệ chính quyền các địa phương, công an tỉnh, thành phố nơi công dân cư trú xác định nhân thân lai lịch và hỗ trợ người dân quay về địa phương. Chúng tôi cố gắng giải quyết hoàn tất cho công dân trong ngày 24-9”.
Trung tá Nguyễn Hữu Việt cho biết quá trình làm việc ban đầu, phần lớn công dân tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội Facebook, Zalo và được các tài khoản nặc danh giới thiệu việc làm tại Campuchia với mức lương cao.
Một công dân ở Kiên Giang báo tin cho gia đình khi về đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang).
Sau khi các công dân đồng ý, các đối tượng tổ chức hướng dẫn cho người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia làm việc. Quá trình làm việc tại Campuchia không giống lời dụ dỗ, công dân làm không đạt chỉ tiêu có thể bị các cơ sở đánh đập, bị bán cho công ty khác hoặc yêu cầu gọi gia đình lấy tiền chuộc người.
Giá tiền chuộc từ 70-120 triệu đồng/công dân, có khi đến 200 triệu đồng/công dân. Đáng lưu ý, có những công dân dưới 16 tuổi, có công dân đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
“Quá trình sàng lọc công dân, nếu thấy có dấu hiệu bị lừa bán sang các công ty ở Campuchia, công dân có thể làm đơn tố giác và hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc để gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật”, Trung tá Nguyễn Hữu Việt nói.
Bài và ảnh: HOÀNG THU
(KGO) - Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đang được thực hiện với quyết tâm mạnh mẽ và hướng đi đúng đắn. Những nỗ lực này đã mang lại chuyển biến rõ rệt trong hệ thống chính trị, góp phần củng cố kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Kết quả đạt được đã tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khẳng định cam kết bảo vệ lợi ích chung và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Tổng số lượt truy cập: