24/03/2023 09:43
Bài 1: Dấu tích của tội ác
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là nơi từng được thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai xây dựng để giam cầm gần 40.000 lượt tù binh và là nơi thấm đẫm máu đào của gần 4.000 liệt sĩ bị địch sát hại. Địch dùng nhiều hình thức dã man để tra tấn và giết hại tù binh...
Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lấy đảo Phú Quốc làm địa điểm xây dựng căng Cây Dừa (1953-1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955-1957) và Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (1967-1973) bởi Phú Quốc nằm cách biệt đất liền, xa khu dân cư, chúng có thể mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn, áp bức tù binh mà không sợ dư luận lên án.
CHUỒNG CỌP LẤY MẠNG NGƯỜI
Ông Ngô Văn Cai (sinh năm 1952), ngụ xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận), từng tham gia du kích xã ở tỉnh Trà Vinh. Tháng 3-1972, ông bị kẻ gian chỉ điểm và địch bắt giam tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc. Một năm trong trại giam của địch, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, đánh quân cảnh nên bị giam vào “chuồng cọp” - được làm hoàn toàn bằng dây kẽm gai, đan chằng chịt xung quanh và trên nóc, xung quanh có nhiều cọc sắt, không có tường xây, không có mái che.
“Chuồng cọp thấp, ngồi thì đụng đầu mà nằm cũng khó, không thể xoay trở. Tôi trườn chứ không thể bò vào mà đã vào chuồng thì chỉ nằm ép một bề mà thôi. Tù binh vào chuồng chỉ cần nửa giờ sau là có người ngất xỉu vì trước khi nhốt vào đây tôi bị đánh thương tích rất nặng. Mùa nắng, tù binh nằm giữa trời phải chịu đựng cái nắng chói chang bỏng da rát thịt từ sáng đến tối; còn khi mưa, tù binh bị ngâm trong nước, nước mưa thấm vào người lạnh buốt đến xương tủy”, ông Cai kể.
Trước tình hình sức khỏe ngày càng cạn kiệt, các đồng chí, đồng đội trong tù đấu tranh đòi thả ông về khu giam cũ nên ông may mắn thoát chết. “Tôi còn sống là may mắn lắm, nhiều anh em, đồng đội đã chết vì không chịu đựng nổi sự khắc nghiệt khi ở trong chuồng cọp”, ông Cai nói.
Sau khi được đưa ra khỏi chuồng cọp, ông Cai tiếp tục cùng đồng đội trong tù đấu tranh với địch đòi quyền lợi bằng cách tuyệt thực. Ông tham gia hơn 10 vụ tuyệt thực đến ngày được trao trả.
“Tất cả tù binh nằm trong phòng, không ra sân điểm danh và cũng không cho quân cảnh vào phòng điểm danh. Mọi sinh hoạt bình thường đều bị tạm đình chỉ. Lúc đầu anh em tuyệt thực được bốn năm hôm thì chúng đến giải quyết, nhưng càng về sau có khi anh em tuyệt thực một tuần, mười ngày mà chúng không quan tâm, bỏ đói tù binh. Đói khát quá, anh em phải uống nước tiểu của mình để cầm cự đấu tranh. Được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong nhà tù, anh em vững chí đấu tranh, đòi được quyền lợi mới thôi”, ông Cai nói.
ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN
Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, địch dùng hơn 40 kiểu tra tấn dã man từ thời trung cổ đến hiện đại.
Các kiểu tra tấn thời trung cổ như kẹp ván vào ngực siết bulông làm tù binh vỡ ngực chết; đục răng, bẻ răng; đánh bằng chày vồ, roi cá đuối; đục xương bánh chè; nướng sắt đỏ xuyên qua bắp chuối; cho người vào bao bố, đổ nước sôi lên bao bố rồi để trên lửa than đỏ rực; nhốt vào chuồng cọp; phơi nắng tù binh; bắt tù binh lộn vỉ sắt làm rách thịt, đổ máu… Kiểu tra tấn hiện đại như tra khảo bằng điện; đổ nước xà bông, nước ớt vào mũi, miệng; cho vào thùng phuy nước đầy, dùng chày vồ, búa đánh vào thùng làm máu trong người ộc ra; thụt dầu và phơi nắng…
Ông Phù Xí Khiếu kể về những đòn roi mà quân địch đã từng đánh đập ông.
Ông Phù Xí Khiếu (sinh năm 1948), ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (TP. Phú Quốc) đi bộ đội năm 1968, bị địch bắt tháng 11-1971 khi đang chiến đấu ở chiến trường Phú Quốc. “Chúng đánh tôi không biết bao nhiêu lần, đánh đủ kiểu. Tôi “ăn” báng súng, chày vồ mỗi ngày. Trong lòng địch, tôi vẫn quyết theo cách mạng, tham gia đánh bọn chiêu hồi, làm mật báo cho cán bộ của ta…”, ông Khiếu nhớ lại.
Ông bị giam giữ đến ngày được trao trả năm 1973. Mỗi khi nhớ lại cảnh ông và các tù binh bị địch hành hạ tàn nhẫn, ông còn lạnh người và căm phẫn. Địch bắt tù nhân phải ôm ống khói lò đang cháy hay là lấy một sợi dây chì căng thẳng khỏi mặt đất, bắt tù nhân ngồi lên, rút hai chân, dây chì nghiến da thịt, chảy máu.
Ông nhớ cảnh địch bắt tù binh đi trên tấm gai chì, gai đâm vào chân ứa máu. “Chúng nướng người trên than cháy, dùng chày vồ nện lên người tù nhân như nện cối gạo. Nhiều cách tra tấn rùng rợn khác nữa hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của chiến sĩ cộng sản...”, ông Khiếu nói.
Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, địch cho nổ súng nhiều vụ vào tù binh không một tấc sắt hay vũ khí suốt nhiều năm liền.
Vụ xả súng đẫm máu và xót xa nhất tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là ngày 6-5-1972 tại phân khu B8. Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, đêm 6-5-1972, địch xả đạn vào tù binh làm 13 người chết tại chỗ và hàng loạt người khác bị thương, máu loang đỏ sân điểm danh và các phòng giam.
Đảng ủy của ta tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc lãnh đạo tù binh đấu tranh đòi trừng trị tên chỉ huy ra lệnh nổ súng giết hại tù binh và từ nay phải chấm dứt việc bắn vào trại. Đại diện tù binh công khai đưa 13 thi hài được quấn lại bằng mùng ra sân, làm lễ truy điệu. Tất cả tù binh quần áo rách tả tơi, bị thương tích khắp người, đứng nghiêm chào vĩnh biệt đồng đội...
Hàng ngàn tù binh đã ngã xuống Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, việc khai quật hài cốt tù binh tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc được tiến hành nhiều năm qua, trong đó có rất nhiều tù binh bị chôn sống tập thể. Tổng số tù binh bị địch sát hại ở Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc đã tìm kiếm, phát hiện và khai quật được 3.833 hài cốt. |
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Đến ngày 14-12-2024, mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi (từ chương trình 120.000 tỷ đồng) trên cổng thông tin điện tử.
Tổng số lượt truy cập: