14/04/2023 14:24
Bài 2: Sức mạnh của ý Đảng, lòng quân, dân
GIÁO DỤC LÀM NÊN TƯƠNG LAI
Sau hai năm công tác ở xã đảo thì năm 1997 thầy Đào Hữu Quốc hết thời gian tăng cường ra xã đảo. Lúc đó, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc Phạm Đình Huy hỏi: “Giờ chịu về chưa?” Cứ ngỡ thầy Quốc sẽ rời xã đảo Thổ Châu còn nhiều khó khăn, ai ngờ thầy Quốc bảo: “Thôi ráng ở lại vài năm nữa đi”.
Thầy Quốc nói lớp ghép ngày ấy nay đã lùi vào quá khứ, thay vào đó là Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu được xây dựng khang trang. Thầy Quốc hiện là giáo viên dạy môn thể dục của trường. Khi được hỏi có bao giờ thầy hối tiếc vì ở lại xã đảo không, thầy Quốc cười nói: “Thổ Châu được như ngày nay đối với tôi không có niềm vui nào bằng. Nhìn học trò của mình lớn khôn, học hành thành tài, nay trở về góp sức cho xã đảo, tôi mừng vui không nói hết”.
Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu hiện có cấp tiểu học, trung học cơ sở và có thêm điểm mẫu giáo, với tổng số 304 trẻ, học sinh từ lớp chồi đến lớp 9. Những học sinh của lớp học ghép, của những lớp học đơn sơ ngày ấy bây giờ đã là thầy giáo, cô giáo của trường như thầy Nguyễn Văn Bình, cô Vũ Thị Bích Loan và có người là bộ đội, công chức ở xã đảo.
Cô Vũ Thị Bích Loan vẫn nhớ như in thời gian khó khăn học tập ở xã đảo. Những năm 2000, máy phát điện trên xã đảo không đáp ứng yêu cầu phát điện cả ngày, nên buổi tối thường cúp điện, học trò như cô Loan thường học bài dưới ngọn đèn dầu leo lét, soi không rõ con chữ. Dù vậy, nhưng từ nhỏ Loan đã được cha mẹ dạy: “Phải học mới mong thay đổi cuộc đời”. Chính vì vậy mà Loan và anh em của mình luôn cố gắng học tập. Loan là con giữa trong gia đình có 3 anh chị em, cả ba đều đã học cao đẳng, đại học, trở thành công chức, giáo viên.
Học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu trong giờ học thể dục.
“Ở xã chỉ học tới hết lớp 9, học sinh muốn học hơn nữa phải vào đất liền học. Anh chị em tôi được cha mẹ gửi về quê nội ở An Giang học. Nhà còn nhiều khó khăn nên anh em tôi chọn học ngành sư phạm để cha mẹ nhẹ lo phần học phí”, cô Loan trải lòng.
Tốt nghiệp cao đẳng, cô giáo Loan về xã đảo Thổ Châu công tác. Có lẽ hiểu được giá trị của việc học nên mỗi khi trong lớp có học sinh nào nghỉ học là cô tìm đến tận nhà động viên, tìm cách giúp đỡ để phụ huynh cho học sinh trở lại trường.
Không riêng cô Loan mà tình thương của giáo viên ở xã đảo dành cho học sinh thật lớn. Hôm chúng tôi đến trường đúng lúc học sinh tham gia cuộc thi trực tuyến trên internet, cô Hoàng Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thổ Châu loay hoay giúp các em kết nối mạng để thi. Hôm ấy, mạng kết nối internet xã đảo chập chờn, nên cô Huệ và các giáo viên túc trực suốt để hỗ trợ học sinh.
Nói với chúng tôi với gương mặt rạng rỡ, cô Huệ cho hay: “Hiện nay trường có phòng máy vi tính, trong các phòng học có ti vi trình chiếu cho học sinh. Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh học hết lớp 9 tiếp tục vào đất liền vừa học chữ vừa học nghề nâng lên nhiều hơn trước, hồi trước chỉ tầm 50% thì nay nâng lên 80-85%. Việc học giúp các em có nghề nghiệp, ổn định cuộc sống”.
XÃ ĐẢO TIỀN TIÊU
Những năm đầu, người dân ra xã đảo Thổ Châu nhiều đợt, nhưng có những người không trụ lại được với đảo xa, riêng nhà ông Tư Bình, ông Ba Hoàng, Sáu Kịch… vẫn trụ lại cho đến nay, là những hộ cố cựu của mảnh đất Thổ Châu. Tiếp đó là những người dân khác đến đảo, có người công tác, có người mưu sinh bằng nghề biển, buôn bán... Người dân đã bám đảo sống, phát triển kinh tế, có hộ xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con, cháu ăn học thành tài trên đất đảo xa xôi nhất của tỉnh.
Ông Tư Bình, tên thật Huỳnh Bình Khởi, ngụ ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu chỉ tay về con đường bê tông rộng rãi trước nhà ông và cho biết trước đây nơi đây chỉ là một con đường mòn. Căn nhà lá đơn sơ của ông Tư Bình và người dân trên xã đảo cũng đã thay bằng nhà tường khang trang. Nhìn con đường từ cầu cảng Bãi Ngự lên khu vực trung tâm xã Thổ Châu với cái chợ nhỏ ở Bãi Ngự bán đủ thứ từ cá, thịt, rau cải cho tới đồ điện tử, máy móc… ông Tư Bình nói: “Nhìn diện mạo này càng thấy cuộc sống của người dân đã nâng lên nhiều”.
Bãi biển hòn Từ, xã đảo Thổ Châu với vẻ đẹp hoang sơ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bằng (71 tuổi) là một trong những hộ dân đến xã đảo Thổ Châu lập nghiệp vào năm 1992. Ngày ấy vợ chồng ông Bằng ẵm theo con trai mới 4 tháng tuổi. Ông được Nhà nước hỗ trợ vay vốn đóng ghe khai thác, thu mua thủy sản. Sau đó do tuổi cao, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, nên ông chuyển sang kinh doanh quán ăn. Mỗi chuyến tàu Phú Quốc - Thổ Châu cập bến, vài khách du lịch “mối”, ghé quán ông Bằng dặn trước món cá nóc nổi tiếng của quán.
Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Hồ Thị Giao Ha cho biết: “Nhiều hộ dân ở xã Thổ Châu rất có tinh thần phấn đấu vươn lên, như cuối năm 2022, xã có 1 hộ xin thoát nghèo, 2 hộ xin thoát cận nghèo. Có 2 hộ khó khăn được bà con trong ấp đề nghị xét vào diện hộ nghèo, nhưng cả 2 hộ đã từ chối vì cho rằng còn sức lao động, để cho hộ khó khăn hơn vào diện hộ nghèo. Xã hiện còn 8 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 ước đạt 33 triệu đồng/năm”. |
Ông Bằng chia sẻ xã đảo khó khăn nhưng đã giúp gia đình ông từ đôi bàn tay trắng làm nên cơ ngơi, nuôi 3 đứa con học cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định. Hiện ông Bằng và vợ bán quán ăn mỗi tháng được 10-15 triệu đồng, cuộc sống ổn định. Ông Bằng bộc bạch: “Ở đảo tuy không thể bằng đất liền nhưng đã giúp hàng trăm hộ dân từ bàn tay trắng nay đã có nhà cửa, có cuộc sống ổn định, ít bon chen, có cảm giác thanh bình”.
Sau 30 năm thành lập (1993-2023), xã Thổ Châu đã có bước phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Đời sống của nhân dân cơ bản được ổn định và nâng lên, hộ giàu, khá được nâng lên, hộ nghèo ngày một giảm, không còn hộ đói, nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm 70%.
Tuy nhiên, do xã đảo cách xa đất liền, phương tiện đi lại còn khó khăn vì 5 ngày mới có 1 chuyến tàu khách (Thổ Châu 09) chạy từ Phú Quốc ra đảo và ngược lại, nên việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm và tiếp cận thông tin hai chiều cũng như việc đi lại của quân, dân trên xã đảo đôi lúc chưa kịp thời. Khi biển động kéo dài, ảnh hưởng gió bão, áp thấp nhiệt đới hoặc khi có những ca bệnh nặng, tai nạn phải chuyển tuyến về trên để điều trị, cấp cứu còn gặp nhiều khó khăn và thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Hồ Thị Giao Ha, xã đã đề nghị về trên tiếp tục đầu tư cho xã thêm 1 máy phát điện, 1 tàu cao tốc chạy từ Phú Quốc ra Thổ Châu có sức chở khoảng 250-300 hành khách/chuyến, đầu tư xây dựng 1 hồ chứa nước ngọt, 1 lò đốt rác và nâng cấp sửa chữa Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Thổ Châu, Trạm Y tế xã và quy hoạch tổng thể xã Thổ Châu giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: