08/12/2022 16:14
Tổng thống Pedro Castillo bị phế truất sau nỗ lực nắm giữ quyền lực bất thành. (Ảnh: AP)
Cảnh sát Quốc gia Peru ngay sau đó đã thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Castillo và cựu Thủ tướng Anibal Torres. Hai chính trị gia này đã được đưa về trụ sở cơ quan an ninh ở thủ đô Lima với sự chứng kiến của Tổng Công tố Patricia Benavides.
Sau khi ông Castillo bị phế truất, Quốc hội Peru đã yêu cầu Phó Tổng thống Dina Boluarte, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Nam Mỹ này có nữ Tổng thống. Theo đó, bà Dina Boluarte, 60 tuổi sẽ nắm quyền đến năm 2026. Ngay sau khi nhậm chức, bà Boluarte đã kêu gọi các đảng phái chính trị đoàn kết nhằm vượt qua khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong suốt hơn 2 thập kỷ qua tại Peru.
Trước đó cùng ngày, ông Castillo đã bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội Peru, thành lập Chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động của nhà lãnh đạo này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Cơ quan bảo vệ nhân dân và nhiều nghị sĩ Peru kịch liệt phản đối, coi đây là một vụ “đảo chính”.
Hàng loạt Bộ trưởng cũng đã từ chức sau khi ông Castillo ra sắc lệnh giải tán Quốc hội vì cho rằng quyết định giải tán Quốc hội là hành động vi hiến.
Phản ứng trước những diễn biến trên chính trường Peru, các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh đã bày tỏ lo ngại, kêu gọi các bên đối thoại, tránh gây phức tạp tình hình, bảo vệ nền dân chủ và tôn trọng Hiến pháp.
Bộ Ngoại giao Argentina bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cuộc khủng hoảng chính trị ở Peru. Bộ Ngoại giao Brazil mô tả các hành động của ông Castillo là “không phù hợp với khuôn khổ Hiến pháp của quốc gia, thể hiện sự vi phạm dân chủ và pháp quyền".
Bộ Ngoại giao Chile bày tỏ sự "hối tiếc” về tình hình chính trị hiện tại ở Peru, đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản phải được duy trì. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador kêu gọi “sự ổn định dân chủ vì lợi ích của người dân".
Trong khi đó, bình luận về diễn biến bất ổn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Mỹ kiên quyết bác bỏ bất kỳ hành vi nào trái với Hiến pháp của Peru, bất kỳ hành động nào làm suy yếu nền dân chủ ở quốc gia này".
Trong 18 tháng nắm quyền, ông Castillo đã phải thay đổi và bổ nhiệm tới 5 Thủ tướng và liên tục vướng phải những cuộc xung đột với cơ quan lập pháp.
Chính trường Peru thường xuyên đối mặt với tình trạng căng thẳng. Kể từ năm 2016, Peru đã trải qua 5 đời Tổng thống. Tổng thống Castillo nắm quyền lãnh đất nước từ tháng 7/2021 cũng đang phải đối mặt với 2 yêu cầu luận tội tại Quốc hội và đang bị điều tra trong 6 vụ án tham nhũng.
Tổng thống Martin Vizcarra từng giải tán Quốc hội Peru vào năm 2019 và yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử mới. Quốc hội mới đã bãi nhiệm ông Vizcarra vào năm 2020. Tổng thống Manuel Merino sau đó có nhiệm kỳ chưa đến một tuần. Tổng thống kế nhiệm Francisco Sagasti nắm quyền được 9 tháng trước khi ông Castillo tiếp quản./.
Theo dangcongsan.vn
(KGO) - Trưa 6-11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng thuyết phục.
Tổng số lượt truy cập: