23/05/2022 14:30
Theo ông Guterres, chỉ trong 2 năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu người hồi trước đại dịch COVID-19 lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày một nghiêm trọng, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc cho biết tổ chức này đang tăng cường tiếp xúc chặt chẽ với Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Theo ông Guterres, không có giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực mà không khôi phục mối liên kết giữa thế giới với hoạt động sản xuất lương thực của Ukraine. Người đứng đầu Liên Hiệp quốc kêu gọi Nga tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc an toàn tại các cảng của Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng thực phẩm và phân bón của Nga cũng phải được tiếp cận đầy đủ và không hạn chế với các thị trường thế giới…
Trước khi xảy ra xung đột, Ukraine được ví như “rổ bánh mì” của thế giới (chiếm 12% nguồn lúa mì thế giới, 15% ngô và 50% dầu hướng dương toàn cầu) với việc xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản/tháng qua các cảng của nước này. Do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga (từ ngày 24-2-2022), các cảng biển ở Ukraine (Odessa hay Chornomorsk) đều bị đình trệ hoạt động. Trong khi đó, Nga là nhà cung cấp phân bón và khí đốt quan trọng hàng đầu thế giới. Xung đột và các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga do các nước phương Tây áp đặt đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác của cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, nhất là ở các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres: Các quốc gia phải hành động cùng nhau, khẩn trương và đoàn kết để chấm dứt khủng hoảng mất an ninh lương thực.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao. Vì vậy, người đứng đầu IMF kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng để giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực. Theo bà Georgieva, cuộc xung đột đã tạo ra “một cuộc khủng hoảng chồng khủng hoảng” trên phạm vi toàn cầu khi các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và giá thực phẩm, năng lượng và phân bón tăng phi mã. Những áp lực này xảy ra vào thời điểm tài chính công của các quốc gia đang gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 và gánh nặng nợ nần chồng chất…
Tổng Giám đốc IMF đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh này, IMF và một số tổ chức tài chính quốc tế khác đã công bố kế hoạch hành động chung nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Trong đó, IMF, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), Ngân hàng Thế giới và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã nhất trí hợp tác xây dựng một kế hoạch hành động chung nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Theo kế hoạch mới được công bố, các tổ chức tài chính quốc tế tập trung vào 6 mục tiêu ưu tiên gồm hỗ trợ những người dễ bị tổn thương; thúc đẩy thương mại mở; giảm tình trạng thiếu phân bón; hỗ trợ sản xuất lương thực; đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu cho tương lai và phối hợp để những nỗ lực này phát huy hiệu quả tối đa.
Nguồn: chinhphu.vn
(KGO) - Trưa 6-11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng thuyết phục.
Tổng số lượt truy cập: