19/12/2024 16:09
Quá trình tổ chức, lãnh đạo xây dựng Quân đội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, xem đó là nguyên tắc căn bản; là quy luật trong xây dựng Quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, cũng là nhân tố tạo nên cội nguồn sức mạnh, quyết định đến quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của QĐND Việt Nam. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930), Đảng đã chủ trương “Tổ chức ra Quân đội công nông”[1]; đồng thời, sớm đề ra chủ trương tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang.
Nghị quyết “Về Đội tự vệ” (3-1935) xác định: “Công nông cách mạng Tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, Quân ủy của Đảng Cộng sản”[2]. Đặc biệt, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Tổ chức của đội phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo”[3]. Do đó, đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam đã có chi bộ đảng lãnh đạo và đặt chức vụ chính trị viên bên cạnh đội trưởng để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng. Với trách nhiệm của mình, các chính trị viên - đại biểu của Đảng đã xây dựng, bảo đảm sự lãnh đạo của chi bộ đối với hoạt động của Đội. Đồng thời, những việc quan trọng của Đội đều do chi ủy, chi bộ thảo luận, quyết định và cùng với Đội trưởng để chỉ huy và triển khai thực hiện các mặt công tác được phân công… Nhờ vậy, vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ đã được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Cùng với đó, mối quan hệ giữa cán bộ quân sự và cán bộ chính trị, cấp trên và cấp dưới ngày càng gắn bó khăng khít. Như vậy, vị trí, vai trò của công tác đảng, công tác chính trị, cán bộ chính trị rất quan trọng trong việc định hình và thực hiện cơ chế, làm cơ sở đặt nền móng vững chắc cho việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quân lần thứ nhất, năm 1960. Ảnh tư liệu
Đầu năm 1945, lực lượng vũ trang ba thứ quân đã hình thành và đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang chưa được thống nhất trong chỉ đạo. Để phát triển lực lượng vũ trang lên một bước, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945) quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Đồng thời, chủ trương “kiến lập công tác chính trị trong Quân đội”, “chỉ định các chính trị ủy viên (người đại diện của Đảng trong các đơn vị Quân đội), các chi đội trưởng và chính trị viên chi đội (tương đương cấp trung đoàn)”[4]… Điều đó khẳng định, Đảng đã xác định rõ hơn việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng và tiến hành công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, coi công tác chính trị là linh hồn của Việt Nam Giải phóng quân[5]. Đây là cơ sở quan trọng để quân đội ta liên tiếp giành thắng lợi trong các trận chiến đấu ngay sau ngày thành lập và làm nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhờ làm tốt công tác quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, muốn hạ thấp vai trò chính trị và công tác chính trị mà cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội đã hoàn thiện một bước. Hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thiết lập từ Trung ương Quân ủy xuống đến khu ủy, trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy và chi bộ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong toàn quân. Cơ quan chính trị được chấn chỉnh, kiện toàn thống nhất, đại đội được xây dựng thành đơn vị căn bản của công tác chính trị; toàn quân thực hiện chế độ chính trị ủy viên cùng đội trưởng phụ trách đơn vị, từ trung đội trở lên có chính trị viên, cấp chiến khu có chính trị ủy viên; hoạt động công tác đảng, công tác chính trị có nền nếp, chặt chẽ, chất lượng hơn.
Đầu năm 1948, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, do đó hệ thống tổ chức đảng dọc từ trên xuống dưới không còn phù hợp. Ngày 20 tháng 10 năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết về tổ chức và hệ thống Đảng trong Quân đội, xác định “Đảng chỉ có một hệ thống tổ chức. Bỏ hệ thống cấp ủy trong Quân đội”, “lập chế độ chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách trong Quân đội”[6] (chế độ chính ủy tối hậu quyết định); mọi công việc, hành động và lãnh đạo của Đảng trong quân đội do ủy viên chính trị chịu trách nhiệm. Đây là một sự thay đổi rất lớn về cơ chế, ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ công tác của cán bộ các cấp và toàn quân. Tuy nhiên, qua thực hiện, chỉ trong thời gian ngắn, cơ chế này cũng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển lực lượng, nhiệm vụ và quy mô tác chiến của Quân đội, cũng như không phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trước tình hình đó, ngày 20-5-1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã ra Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực”. Nghị quyết xác định bỏ chế độ chính ủy tối hậu quyết định; lập lại hệ thống tổ chức đảng các cấp từ Tổng Quân ủy xuống chi bộ, chế độ thủ trưởng chính trị và quân sự phân công tổ chức thực hiện dưới sự lãnh đạo của tập thể cấp ủy. Đây là sự thay đổi quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, giữ vững nguyên tắc xây dựng Quân đội cách mạng; trực tiếp đưa công tác Đảng, công tác chính trị vào nền nếp, thực sự trở thành “linh hồn, mạch sống của Quân đội”. Cơ chế này đã phát huy tác dụng to lớn trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành chiến tranh cách mạng trong một thời gian dài và đã đưa quân đội ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, thực hiện chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quân đội đã trưởng thành, cán bộ Quân đội có nhiều chuyển biến, cần thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể của cấp ủy đảng đi đôi với thực hiện chế độ thủ trưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 29-5-1979, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 172/QUTW “Về tổ chức chế độ thủ trưởng trong QĐND Việt Nam”, xác định rõ ở mỗi cấp có tư lệnh (người chỉ huy) và các phó tư lệnh (phó chỉ huy), không xác lập chế độ chính ủy, chính trị viên. Hệ thống cấp ủy đảng vẫn thiết lập từ Quân ủy Trung ương xuống đến chi bộ và do dân chủ bầu ra. Riêng Đảng ủy Quân khu, Quân chủng và tương đương trở lên do Bộ Chính trị chỉ định theo đề nghị của Quân ủy Trung ương.
Cơ quan cán bộ và một số cơ quan nghiệp vụ khác được điều chuyển sang trực thuộc người chỉ huy. Tuy nhiên, sau một thời gian tiến hành đã gặp những vướng mắc, bất cập, nhất là người chỉ huy chưa được bồi dưỡng toàn diện, không phát huy được cấp phó và cơ quan và có biểu hiện bao biện, gia trưởng, tư tưởng cá nhân quyền lực trong giải quyết công việc và các mối quan hệ, làm ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ... hạn chế chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử lúc đó, ngày 30-9-1980, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-QP về thực hiện chế độ “Một người chỉ huy” trong Quân đội.
Tiếp đó, ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị (khóa V) ra Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội”; điều chỉnh không để hệ thống cấp ủy từ Quân ủy Trung ương đến cấp trên trực tiếp cơ sở; tổ chức cơ sở đảng không ra nghị quyết về quyết tâm chiến đấu, các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của đơn vị... Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị đã bộc lộ nhiều nhược điểm; vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội bị giảm sút; tình hình toàn quân không có chuyển biến tiến bộ, mà còn nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp.
Nhận thấy tình hình nghiêm trọng đó, ngày 4-7-1985 Bộ Chính trị (khóa V) đã ra Nghị quyết 27-NQ/TW “Về việc tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”. Qua quá trình tổ chức thực hiện đã khắc phục được những nhược điểm của Nghị quyết 07; đồng thời, củng cố, tăng cường được sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và hiệu lực của người chỉ huy, phát huy được vai trò của các tổ chức quần chúng, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong điều kiện thời bình.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa V, trên cơ sở tổng kết sâu sắc quá trình thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam. Đây là nghị quyết “có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với công cuộc xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”[7]. Từ khi có Nghị quyết 51-NQ/TW đến nay, “cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đã quán triệt và tuân thủ nghiêm nguyên tắc: Tập thể cấp ủy lãnh đạo toàn diện, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phân công tổ chức thực hiện theo chức trách”[8], “quyền lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc về tập thể cấp ủy; quyền chỉ huy, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cùng cấp về hoạt động quân sự của đơn vị thuộc người chỉ huy; chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cùng cấp về công tác Đảng, công tác chính trị thuộc về chính ủy, chính trị viên; quan hệ giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy là quan hệ phối hợp công tác”[9], góp phần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm cho Quân đội luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong mọi tình huống.
Theo Báo Quân đội nhân dân/Trung tá, ThS LÊ VĂN THÀNH - Viện Lịch sử Quân sự
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 80 năm - Tự hào Quân đội nhân dân Việt Nam xem các tin, bài liên quan
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 2.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 94.
[3] Ban nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 84.
[4] Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 94
[5] Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 35.
[6] Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 171.
[7] Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Xây dựng Đảng bộ Quân đội ngang tầm nhiệm vụ mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 34.
[8] Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Xây dựng Đảng bộ Quân đội ngang tầm nhiệm vụ mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 82.
[9] Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Xây dựng Đảng bộ quân đội ngang tầm nhiệm vụ mới, Nxb QĐND, Hà Nội, 2016, tr. 82.
(KGO) - Sáng 20-12, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên - Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì thông qua nội dung chương trình Đêm giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”. Cùng dự có Thiếu tướng Trần Văn Xuân - Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các đơn vị phối hợp thực hiện chương trình.
Tổng số lượt truy cập: