26/11/2020 17:47
Quan tâm đến đối tượng là người chưa thành niên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm: Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Trước đây việc quy định về văn hóa nơi công sở về hành vi cán bộ, công chức uống rượu, bia chưa thật sự đầy đủ, có chăng chỉ thể hiện trong các văn bản của ngành, trong nội quy, quy chế của đơn vị nên chưa có chế tài đủ mạnh để thiết lập kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Nay Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập (khoản 5, Điều 5).
Một số hành vi nghiêm cấm khác cũng được nhiều người quan tâm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Công viên là một trong những địa điểm công cộng không được tổ chức uống rượu, bia. Trong ảnh: Công viên Trần Quang Khải (TP. Rạch Giá). Ảnh: MINH KHANG
Đáng chú ý, luật quy định các địa điểm không được uống rượu, bia gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; cơ sở bảo trợ xã hội; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia; các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ (Điều 10).
Ngoài các địa điểm trên còn có 3 nơi là địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm: Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực; nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia (Điều 3).
Nghị định số 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Chính phủ ban hành ngày 24-2-2020. Nghị định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký ban hành, điều chỉnh về một số biện pháp giảm mức tiêu thụ và quản lý việc cung cấp rượu, bia bao gồm địa điểm công cộng không được uống rượu, bia; hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình; quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia; việc thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia…
Thạc sĩ BÙI ĐỨC ĐỘ
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: