07/09/2020 17:22
Khi quyết định ly hôn, vợ chồng được quyền bàn bạc, thỏa thuận để xác định ai là người trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Trường hợp vợ chồng thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con hoặc khi các bên không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định.
Quán triệt nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho người chưa thành niên, nhất là trong trường hợp cha mẹ ly hôn, Điều 55, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
Nếu vợ chồng không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đảng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn. Khoản 2, Điều 81 luật này quy định vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được, tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Trên cơ sở nguyên tắc của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khoản 3, Điều 208, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cụ thể hóa cách thức thể hiện nguyện vọng của người chưa thành niên trong các vụ án hôn nhân và gia đình.
Theo đó quy định đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của người chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.
Việc lấy ý kiến của người chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.
Về thủ tục tố tụng đối với việc thuận tình ly hôn, Điều 397, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con liên quan đến vụ án.
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện: Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con...
Thông thường, đa số các thẩm phán đều lấy ý kiến của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên bằng văn bản (bản khai, bản tự khai viết tay…) có chữ ký của trẻ và cha mẹ của trẻ. Địa điểm lấy ý kiến tại trụ sở tòa án trước khi giải quyết vụ việc ly hôn.
Trong trường hợp lấy ý kiến trực tiếp gặp khó khăn, nhiều tòa án linh hoạt cho người chưa thành niên viết bản tự khai thể hiện nguyện vọng của mình ngoài trụ sở tòa án, có xác nhận của cha mẹ, của chính quyền địa phương, đại diện cơ quan, tổ chức, cơ sở y tế nơi con học tập, công tác hoặc nơi con đang điều trị bệnh...
Tuy đã lấy ý kiến người chưa thành niên trước đó, nhưng cần thiết có thể triệu tập để xét lại nguyện vọng của những người này ngay tại phiên tòa theo yêu cầu của đương sự hoặc liên lạc với trẻ qua điện thoại để xác định lại nguyện vọng của trẻ trước khi vào nghị án.
Về thời điểm lấy ý kiến của người chưa thành niên, tòa án thường thực hiện tại phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm (vụ án ly hôn) hoặc trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ.
THU UYÊN
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: