27/10/2023 17:30
Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.
6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản trên 1,762 tỷ đồng, so cùng kỳ năm 2022 số vụ cháy, nổ không tăng, không giảm.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh và Công an TP. Phú Quốc phối hợp lực lượng chữa cháy ở cơ sở thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Phú Quốc.
Để kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức tốt công tác thường trực 24/24 giờ. Đơn vị chú trọng công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nâng cao thể lực, kỹ thuật, chiến thuật cho cán bộ, chiến sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ tăng cường luyện tập nhằm thích nghi tốt với địa hình trên cao, dưới sâu, trong không gian hạn chế, dưới nước và điều kiện khí hậu khắc nghiệt; vận hành, sử dụng thành thạo tất cả các loại phương tiện được trang bị để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức 19 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, có trên 2.000 người tham gia.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ luôn xem công tác phòng cháy là cơ bản, chiến lược, lâu dài để giảm công tác chữa cháy. Đồng thời, huy động tối đa lực lượng tại chỗ và người dân tham gia chữa cháy, nhất là trong thời điểm vàng 5 phút từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy).
Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức 480 cuộc tuyên truyền, có trên 4.000 người tham dự.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (TP. Rạch Giá) sử dụng bình chữa cháy xách tay.
Trung tá Ngô Đức Thảo - đội trưởng đội công tác phòng cháy Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết: “Đơn vị tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền giúp người dân nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng chữa cháy và thoát nạn, hiểu được tính chất nguy hiểm của cháy, nổ và hình thành thói quen tuân thủ quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần giảm thiểu sự cố cháy, nổ xảy ra”.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao về số lượng, chất lượng của lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, chuyên ngành và lực lượng dân phòng.
Hiện toàn tỉnh có 292 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, 62 điểm chữa cháy công cộng, 4 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, 3.224 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và 949 đội dân phòng với trên 23.000 thành viên được trang bị cơ bản về kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đủ khả năng dập tắt đám cháy mới phát sinh, kịp thời cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra.
Cán bộ Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn kỹ năng sử dụng thiết bị chữa cháy cho nhân viên tàu Namaste TP. Phú Quốc.
Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm, chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mỗi cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cần chuẩn bị phương án thoát nạn; tự trang bị bình chữa cháy; lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt tại gia đình...
Thượng tá Lương Hoàng Oanh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khẳng định: “Xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy là biện pháp thường xuyên và lâu dài, từ đó mỗi cá nhân dần nâng lên nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng… để tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy ở mỗi địa phương”.
Bài và ảnh: KIM TIỀN
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: