10/09/2020 15:52
Án treo và cải tạo không giam giữ là một chế tài đặc biệt, nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự của nước ta. Mục đích của án treo, cải tạo không giam giữ nhằm trừng trị, cải tạo người phạm tội mà không buộc họ phải cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định như hình phạt tù, nhưng buộc họ phải chấp hành hình phạt này ở nơi cư trú, nơi lao động, học tập mà vẫn đảm bảo tính giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Điều 87, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định rõ nghĩa vụ của người chấp hành án treo; Điều 99 quy định nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ. Theo đó, những người này phải có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án.
Người chấp hành án treo phải thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Người chấp hành án cải tạo không giam giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của tòa án.
Người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu.
Hàng tháng, người chấp hành án treo phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.
Đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ, hàng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, trừ trường hợp tạm vắng vì lý do chính đáng hoặc điều trị bệnh có xác nhận của cơ sở y tế điều trị.
Người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng, nhưng phải xin phép và được sự cho phép của đơn vị được giao giám sát, giáo dục. Khi đến nơi cư trú mới phải trình báo Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
Trường hợp người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu liên quan.
Riêng đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ phải thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ nếu thuộc trường hợp án tuyên phải khấu trừ thu nhập; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Khi người bị phạt tù cho hưởng án treo, người bị án phạt cải tạo không giam giữ mà không thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định; không có mặt theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục mà không có lý do chính đáng hoặc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng theo điểm c, khoản 4, Điều 14, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
BÙI ĐỨC ĐỘ
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: