30/11/2020 14:55
Điều 30, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nêu rõ các mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 200-500 ngàn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
Hành vi uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng .
Mức phạt từ 1-3 triệu đồng áp dụng cho một trong các hành vi: Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia. Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán rượu, bia tại địa điểm không bán rượu, bia theo quy định của pháp luật; mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông (Điều 31).
Các hành vi vi phạm các quy định về khuyến mại rượu, bia có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Đó là các hành vi khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức…(Điều 32).
Các hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc quảng cáo rượu, bia; có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; quảng cáo trên phương tiện điện tử và thiết bị viễn thông khác mà không có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia… có thể bị phạt từ 15-30 triệu đồng (Điều 33).
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Chủ cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng (Điều 34).
Mức phạt 500 ngàn đến 1 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở thành viên gia đình chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia. Phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
Hành vi tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia; cơ sở kinh doanh rượu không nhắc nhở hoặc không có biển cảnh báo đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia… cũng có thể bị phạt mức cao nhất đến 30 triệu đồng.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020, trừ một số điều về phòng, chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ban hành.
Thạc sĩ BÙI ĐỨC ĐỘ
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: