30/08/2024 14:54
Theo sách “Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang 30 năm kháng chiến 1945-1975”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, vào tháng 9-1945, ở ấp và khóm trên địa bàn tỉnh tổ chức được lực lượng dân quân rộng rãi. Đội viên các lực lượng vũ trang thu hút phần đông là Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc và có cả nữ thanh niên. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mỗi cấp cử một ủy viên quân sự để trực tiếp chỉ huy lực lượng của cấp mình.
Khó khăn lớn nhất của lực lượng vũ trang trong thời kỳ đầu là quân số tăng nhanh, nhưng súng và đạn rất khan hiếm. Về vũ khí, đáng kể là số súng thu được của Pháp, Nhật, hội tề, địa chủ; còn lại chủ yếu là đao, kiếm, phi tiêu, dao găm, tre tầm vông vạt nhọn, đinh ba, dây, súng gỗ, gậy gộc. Tuy còn nhiều khó khăn từ trang bị vũ khí thô sơ, ăn uống kham khổ nhưng cán bộ và chiến sĩ rất hăng hái thực hiện nhiệm vụ được giao và say mê luyện tập, thể hiện được tinh thần đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, chan hòa, gần gũi, thân ái.
Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, lực lượng vũ trang tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: Chiến sĩ Tiểu đoàn 207, Trung đoàn 893 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luyện tập điều lệnh.
Công tác đào tạo cán bộ và huấn luyện quân sự được cấp ủy và chính quyền quan tâm. Nội dung học tập của học viên bao gồm cả hai mặt chính trị và quân sự. Giáo dục chính trị chủ yếu là nâng cao lòng yêu nước; đồng thời giúp cho học viên bước đầu tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin. Nội dung huấn luyện quân sự gồm có rèn luyện đội ngũ, bắn súng trường, lợi dụng địa hình, địa vật, tiểu đội phòng ngự chiến tuyến, chức trách của cán bộ tiểu đội...
Trong những ngày đầu mới giành được chính quyền, còn một đồn lính Nhật đóng điểm ở doi Hà Tiên, cách thị xã Rạch Giá khoảng 1km về phía bắc, chờ lệnh giải giáp. Đại đội Cộng hòa vệ binh được giao nhiệm vụ tìm cách diệt đồn này.
Nhân có hiện tượng bệnh dịch tả xuất hiện, quân ta cử hai đồng chí giả dạng bác sĩ và y tá vào đồn để do thám, biết được đồn có 27 lính, do người Nhật chỉ huy, có một súng FM (trung liên) và 23 súng trường.
Lúc 5 giờ sáng ngày 10-9-1945, trận đánh bắt đầu: 6 lính Nhật đi chợ đã bị quân ta bắt. Đồng thời, lực lượng ta bắt 14 tên lính đang tập thể dục trước sân; một bộ phận của ta xông vào khống chế số lính còn lại. Sau 4 giờ chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, bắt 20 tên, tiêu diệt tại chỗ 6 tên, tên đồn trưởng tự sát, ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị và lượng lớn lúa gạo.
Đại tá Lê Hoàng Vũ - Tỉnh ủy viên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang cho biết chiến thắng doi Hà Tiên vào ngày 10-9-1945 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân tỉnh Rạch Giá, được chọn làm ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang tỉnh tuy còn có mặt hạn chế, nhưng với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã đoàn kết chặt chẽ, lớp lớp vùng lên, chiến đấu anh dũng lập nên biết bao chiến công vang dội.
Bài và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: