06/10/2021 08:18
Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy trong khu dân cư, được lực lượng phòng cháy, chữa cháy, công an địa phương và nhân dân kịp thời xử lý nên thiệt hại không đáng kể.
Đồng thời, toàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận 1 vụ nổ, 1 vụ sự cố thiên tai, 2 vụ tai nạn dưới nước, làm chết 3 người, bị thương 16 người, sập hoàn toàn 26 căn nhà, tốc mái 38 căn nhà… ước thiệt hại gần 6,8 tỷ đồng.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã xuất 26 lượt xe chữa cháy, 3 xe cứu nạn, cứu hộ, 20 máy bơm, cùng 155 lượt cán bộ, chiến sĩ kịp thời dập tắt vụ cháy, sự cố xảy ra, không để gây hậu quả nghiêm trọng.
Để nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân, công an toàn tỉnh thực hiện 12 phóng sự, trên 18.400 tin, bài tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương và loa nội bộ của các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; 18 tin điện tử về lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng công an đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức trên 3.100 cuộc tuyên truyền miệng, với hơn 17.400 lượt người tham dự, trọng tâm là trong khu dân cư, thuyền viên tàu đánh bắt thủy sản và trên 500 cuộc tuyên truyền lưu động; tổ chức 19 cuộc đối thoại với nhân dân về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Để đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và sinh sống, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vận động địa phương, doanh nghiệp treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu về phòng cháy, chữa cháy. Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 2 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, 4.682 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, 963 đội dân phòng, với 22.143 đội viên tham gia. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ được củng cố, nâng cao chất lượng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng công an trong tỉnh Kiên Giang kiểm tra trên 7.300 cơ sở, 1.732 hộ gia đình, 72 phương tiện vận chuyển hành khách và chất hàng có nguy hiểm về cháy nổ, 1.457 điểm bầu cử, 71 khu cách ly tập trung, 23 điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Qua kiểm tra, lực lượng công an hướng dẫn, kiến nghị cơ sở và nhân dân khắc phục hàng ngàn sơ hở, thiếu sót không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn 1.058 hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Kiên Giang diễn tập chữa cháy.
- Phóng viên: Qua phân tích các vụ cháy, nổ, nguyên nhân các vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là gì, thưa đồng chí?
- Thượng tá Phạm Mạnh Hùng: Thời gian qua, có 66,6% số vụ cháy xảy ra ở địa bàn nông thôn; 88,9% vụ cháy ở khu vực kinh tế tư nhân và nhà dân. Qua phân tích nguyên nhân, 60% số vụ cháy do sự cố về điện. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm thời gian tới là tăng cường công tác phòng cháy về điện, quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn nông thôn. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng công tác phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh và tàu đánh cá.
- Phóng viên: Để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng chí khuyến cáo gì đến tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh Kiên Giang?
- Thượng tá Phạm Mạnh Hùng: Dự báo thời gian tới tình hình cháy nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp. Do biến đổi khí hậu, thời tiết không ổn định, hạn hán kéo dài, lốc xoáy, mưa lũ xảy ra thất thường, khó lường ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, tai nạn thời gian tới, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương chủ động xây dựng phương án đối phó các tình huống ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trên địa bàn.
Doanh nghiệp và người dân không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác an toàn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn, mà phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay thiếu sót không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy như hệ thống điện lắp đặt không an toàn, sắp xếp hàng hóa, vật tư không đúng quy định, lối, đường thoát nạn không đảm bảo…
Người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình trong tỉnh Kiên Giang cần gương mẫu chấp hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên nghiên cứu, bổ sung kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là kỹ năng tự thoát nạn, sơ cứu…
Khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, doanh nghiệp, người dân phải giám sát chặt chẽ và đảm bảo quy định an toàn, nhất là hàn, cắt kim loại phải được che chắn bằng vật liệu không cháy và bán kính an toàn giữa nơi hàn cắt với vật liệu dễ cháy tối thiểu 3m.
Đối với hộ kinh doanh, trong nhà ở có kết hợp kinh doanh phải bố trí lối thoát nạn thứ hai, sắp xếp hàng hóa không được cản trở thoát nạn và phải cách dây dẫn, thiết bị, dụng cụ điện tối thiểu 0,5m. Nhà ở gia đình nên trang bị dụng cụ chữa cháy ban đầu, những hộ kết hợp kinh doanh phải trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy phù hợp tính chất hoạt động.
Ở nơi neo đậu tàu thuyền, nơi trú bão, chủ phương tiện phải có giải pháp phòng, chống cháy nổ đối với phương tiện neo đậu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Chủ tàu đánh cá phải đảm bảo biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, cụ thể là hầm máy phải thông thoáng, bồn chứa dầu phải đảm bảo kín, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu cho động cơ không được rò rỉ. Ngoài ra, chủ phương tiện tàu cần trang bị dụng cụ chữa cháy phù hợp phương tiện; khu vực hầm máy nên lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng khí CO2…
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
QUỐC TRINH thực hiện
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: