07/09/2020 18:36
Ngày 26-10-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất. Theo đó quy định người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc xác định người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công. Xác định hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mức tiền sử dụng đất ghi nợ đối với hộ gia đình, cá nhân nêu trên được xác định bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư trừ giá trị được bồi thường về đất, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Thời hạn hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất là 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong 5 năm, họ được trả nợ dần và không phải nộp tiền chậm nộp.
Sau thời hạn 5 năm mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 5 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.
Khi ghi nợ tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân phải nộp đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất và giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất cùng với hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật gồm: Quyết định giao đất tái định cư và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường.
Sau khi hoàn thành việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc), chứng từ nộp tiền sử dụng đất (bản gốc) tại văn phòng đăng ký đất đai để được xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận. Trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ, hộ gia đình, cá nhân đến kho bạc để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm rà soát, đối chiếu hồ sơ mà hộ gia đình, cá nhân nộp để thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trả lại giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân ngay trong ngày làm việc.
Trước khi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp (nếu có). Riêng trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất, người nhận thừa kế có trách nhiệm tiếp tục trả nợ tiền sử dụng đất theo quy định.
BÙI ĐỨC ĐỘ
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: