08/12/2020 10:40
Giao quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất đôi khi cũng khác nhau, trong đó có hạn mức đất ở để làm nhà ở. Giao quyền sử dụng đất là việc Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.
Công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.
Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND, ngày 16-7-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quy định rõ hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với đất ở tại nông thôn (xã), hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở không quá 300m2; đất ở tại đô thị (phường, thị trấn), hạn mức giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở không quá 200m2.
Về công nhận đất ở, Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND quy định hộ gia đình có từ 4 nhân khẩu trở xuống thì hạn mức công nhận đất ở tại nông thôn (xã) cho mỗi hộ gia đình không quá 400m2; công nhận đất ở tại đô thị (phường, thị trấn) cho mỗi hộ gia đình không quá 300m2. Trường hợp hộ gia đình có nhiều hơn 4 nhân khẩu thì mỗi nhân khẩu tăng thêm (tính từ nhân khẩu thứ 5 trở lên) được tính thêm 0,25 lần hạn mức tương ứng, nhưng tổng hạn mức không vượt quá 2 lần hạn mức tương ứng công nhận đất ở.
Khái niệm hộ gia đình để làm căn cứ khi Nhà nước công nhận đất ở được thực hiện theo khoản 29, Điều 3, Luật Đất đai, đó là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Thạc sĩ BÙI ĐỨC ĐỘ
(Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang)
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: