10/04/2025 08:17
Năm 2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị biên phòng tập trung xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên vừa có chuyên môn, vừa thông thạo trong việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền. Các tuyên truyền viên thông tin về vùng biển cấm, vùng an toàn khai thác cùng các quy định pháp luật liên quan đến đánh bắt hải sản, nguy cơ khai thác IUU qua email hoặc điện thoại di động đến ngư dân.
Thiếu tá Trần Như Ý - Trưởng Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết: “Đội ngũ tuyên truyền viên sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trên di động và website làm công cụ đắc lực để thực hiện công tác tuyên truyền chống khai thác IUU. Cán bộ biên phòng thường đăng video, bài viết ngắn gọn, dễ hiểu trên trang mạng xã hội. Các nội dung tuyên truyền được đổi mới, thiết thực, dễ tiếp cận, sinh động, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với ngư dân”.
Cán bộ biên phòng cùng đoàn viên tuyên truyền, vận động chủ tàu, tài công tuân thủ các quy định pháp luật về khai thác hải sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển, đảo phối hợp cơ quan chức năng tổ chức hội thảo, buổi nói chuyện tại các làng chài, xóm biển. Đồng thời, mời chuyên gia và cán bộ địa phương đến chia sẻ, giải đáp thắc mắc của ngư dân về các vấn đề liên quan đánh bắt hải sản; kể cho ngư dân nghe về tấm gương tiêu biểu hoặc tổ đội khai thác văn minh để ngư dân học hỏi và làm theo.
Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang Doãn Đình Tránh nói: “Chúng tôi xác định tuyên truyền chống khai thác IUU không phải trách nhiệm của riêng một cơ quan hay tổ chức nào mà cần có sự phối hợp liên ngành để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Chúng tôi phối hợp các cơ quan báo chí tích cực phát động các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, thực hiện các bài phóng sự, phỏng vấn và câu chuyện thực tế. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, hội nghề cá, chủ tàu tài trợ thiết bị tuyên truyền, tổ chức hội thảo hoặc cung cấp giải pháp công nghệ...”.
Thời gian qua, một số ngư dân không nắm rõ quy định pháp luật hoặc hiểu biết nhưng vẫn khai thác IUU vì lợi ích kinh tế trước mắt. Rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền của những năm trước, năm 2025 các đơn vị biên phòng tập trung lồng ghép giáo dục pháp luật vào các chương trình tuyên truyền, giải thích và phân tích rõ hậu quả của hành vi khai thác IUU để ngư dân nắm. Trong các buổi tuyên truyền, lực lượng biên phòng nêu thực tế về các trường hợp bị xử phạt để cảnh báo ngư dân.
Qua tuyên truyền, vận động của lực lượng biên phòng, từ đầu năm 2025 đến nay có 10 ngư dân khu vực bắc đảo Phú Quốc tự nguyện mang bộ kích điện đánh bắt hải sản đến các trạm kiểm soát biên phòng giao nộp.
Địa bàn các đồn biên phòng tuyến bắc đảo Phú Quốc quản lý có vùng biển rộng, với nhiều phương tiện khai thác hải sản gần bờ. Những năm gần đây, do nguồn lợi hải sản cạn kiệt, nhiều ngư dân mua bộ kích điện đánh bắt hải sản, dù pháp luật đã nghiêm cấm. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các đơn vị biên phòng đã kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm kết hợp tuyên truyền người dân chuyển đổi hình thức khai thác, tự nguyện giao nộp công cụ kích điện.
Bài và ảnh: BĂNG THY
(KGO) - Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang vừa thăm, tặng quà, chúc tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền các xã giáp biên nước bạn Campuchia.
Tổng số lượt truy cập: