16/09/2020 10:48
Em Phạm Quốc Sỹ, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) đã 13 tuổi, nhưng năm học 2020-2021 em mới vào lớp 6. Ly hôn, cha và mẹ Sỹ bỏ em lại cho bà ngoại để đi làm ăn xa. Hơn 3 năm qua, Sỹ sống cùng bà trong căn nhà dột nát.
Kinh tế gia đình vô cùng khó khăn nên con đường đến trường của Sỹ vì thế gián đoạn. Sau một lần khảo sát hộ nghèo trên địa bàn, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ biết hoàn cảnh gia đình Sỹ, báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và xin ý kiến nhận Sỹ làm con nuôi của đơn vị theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Trung tá Hà Đức Hạnh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết: “Đơn vị đóng quân trên địa bàn biên giới, có đông đồng bào Khmer, đời sống của bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Đơn vị nhận đỡ đầu cho 17 học sinh nghèo theo chương trình nâng bước em tới trường, trong đó có 9 học sinh Campuchia ở địa bàn giáp biên và nhận nuôi Sỹ tại đơn vị, với mong muốn các em học tập tốt, trở thành công dân tốt…”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) hướng dẫn em Phạm Quốc Sỹ học tập.
Sau khi về Đồn Biên phòng Phú Mỹ sinh sống, học tập, ban chỉ huy đơn vị phân công 2 chiến sĩ kèm cặp, chăm sóc Sỹ. Ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn Sỹ học tập. Sau gần 1 năm sinh sống ở đơn vị, từ học sinh yếu Sỹ vươn lên đạt học lực khá. Ngoài giờ học văn hóa, Sỹ còn được cán bộ, chiến sĩ bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt nề nếp, lành mạnh.
Tuy không được giao trực tiếp lo việc học cho Sỹ, nhưng mỗi khi có thời gian, Thượng úy Ngân Văn Hành - đội trưởng đội vũ trang Đồn Biên phòng Phú Mỹ hướng dẫn Sỹ học tập. Theo đồng chí Hành, đây không chỉ là nhiệm vụ mà đồng chí xem đây là nghĩa vụ của người thân đối với con cháu trong gia đình. Đồng chí Hành cho biết: “Không riêng tôi, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có thời gian đều tham gia dạy Sỹ học tập. Chúng tôi luôn xem Sỹ như con cháu trong gia đình”.
Danh Nghĩa ngụ xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành mồ cô cha; mẹ bỏ em lại cho ngoại để đi làm ăn xa. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nghĩa 13 tuổi và năm học 2020-2021, em vào lớp 6. Khi được Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, huyện Giang Thành nhận nuôi, Nghĩa chăm chỉ học tập, rèn luyện nề nếp.
Trung úy Lương Công Mạnh - nhân viên đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Vĩnh Điều có vợ và hai con đang sống tại tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Mạnh được giao nhiệm vụ chăm sóc, hướng dẫn Nghĩa học tập. Qua gần 1 năm sống trong đơn vị, đồng chí Mạnh xem Nghĩa như con của mình.
Danh Nghĩa cho biết: “Vào đơn vị, con được ăn uống, lao động, học tập… đúng giờ nên sức khỏe tốt hơn trước. Con mong muốn sau này trở thành cán bộ biên phòng và về công tác tại biên giới như các chú”.
Theo Trung tá Nguyễn Trung Thành - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, đơn vị luôn mong muốn học sinh trên địa bàn được đến trường, đời sống đồng bào bớt khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị động viên nhau, chung tay góp kinh phí để chăm sóc, giúp đỡ được càng nhiều em nhỏ trên địa bàn được tiếp tục đến trường.
Con nuôi đồn biên phòng là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, bên cạnh việc tự nguyện chung tay giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô hình phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Qua việc làm của đơn vị biên phòng góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Bài và ảnh: TIẾN VINH
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: