12/04/2024 14:00
Toàn vẫn còn nhớ hồi 6-7 tuổi, cả nhà đi đến vùng Bảy Núi (An Giang) để làm mướn. Cha điều khiển trâu chở lúa mướn, mẹ đi mót lúa, còn Toàn đi theo chăn trâu… Cuộc sống rày đây mai đó nên Toàn cũng không thể vào lớp 1 đúng tuổi.
Năm 8 tuổi, Toàn mới vào lớp 1, gia đình vẫn khó khăn, nhưng nghị lực của cậu học trò nhỏ thì luôn cháy bỏng. Suốt những năm tiểu học, Toàn luôn là học sinh giỏi. Sau giờ học, em còn cùng mẹ đi bắt ốc bươu vàng bán, đi kéo lưới bắt cá. Khi qua trung học cơ sở, bài học nhiều hơn, nên mỗi khi đi kéo lưới cùng mẹ, Toàn còn tranh thủ đem sách vở theo học.
Khi Toàn học lớp 8, gia đình được chính quyền địa phương cất cho căn nhà tình thương. Sau năm đó, gia đình vươn lên thoát nghèo, nhưng vẫn còn rất khó khăn.
“Để xin miễn giảm tiền học phí, mỗi năm học mẹ làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận gia đình khó khăn để xin giảm miễn tiền học phí. Gần như việc học không gây tốn kém cho gia đình, chỉ có năm học lớp 1 phải mua sách mới, các năm học còn lại đều học sách cũ mượn hoặc xin được. Em học về đi bắt ốc, cắt lúa mướn, kéo lưới với mẹ kiếm tiền đi học, em cũng có học bổng”, Toàn kể.
Học giỏi, chăm ngoan, Toàn được trường giới thiệu nhận các suất học bổng, hỗ trợ tập, sách để đến trường. Năm học lớp 9, cha mẹ rời quê đi làm công nhân, Toàn phải ở nhà một mình. Sau giờ học, Toàn đi bắt ốc bươu vàng bán. Thời đó mỗi kilogram ốc giá 1.000 đồng, mỗi ngày Toàn cố gắng bắt 20-30kg bán trang trải học phí.
Sáng, em rang cơm ăn rồi đến trường. Nhiều lúc, em mang cơm theo ăn trong những ngày học hai buổi. “Nhà em gần nhà dì nên thường em đi học về qua nhà dì ăn cơm, còn buổi tối thì em ở nhà học bài và ngủ một mình”, Toàn nói.
Thượng úy Mai Văn Toàn nhận quyết định bàn giao nhà đồng đội. Ảnh: NGUYỄN KHOA
Năm học lớp 12, cán bộ quân đội đến trường tuyên truyền tuyển sinh quân sự. Cán bộ còn tìm đến tận nhà Toàn tuyên truyền, hướng dẫn em thi vào trường quân đội. Hiểu về môi trường quân đội, Toàn ước mơ trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Với hoàn cảnh của Toàn, tuyển sinh quân sự là lựa chọn phù hợp nhất.
Toàn nhớ thời điểm năm 2014, dù học tới lớp 12 nhưng em vẫn chưa tiếp cận máy vi tính và mạng internet, nên chưa biết cách tra cứu điểm thi trên mạng. Đến khi các chú bộ đội đến tận nhà trao giấy trúng tuyển, em mới biết bản thân đậu vào Trường Sĩ quan chính trị.
Ngày Toàn lên đường đi học, các cô, dì, chú, bác ở xóm người cho một ít với tiền gia đình cho được 10 triệu đồng. Đó là số tiền lớn nhất mà em được giữ và rất nâng niu. Vào trường nhập học, Toàn vẫn không dám xài số tiền đó, mà sau này đem về gửi lại cha mẹ.
Toàn vẫn còn nhớ như in ngày em chuẩn bị thi môn tiếng Anh cuối khóa học để tốt nghiệp thì em cũng nhận được tin cha em bị tai biến. Nén nỗi đau buồn, Toàn hoàn thành môn thi và sau đó trở về nhà chăm sóc cha. Ngày em về đến nhà cũng là ngày bệnh viện cho cha em trở về nhà, đúng 5 ngày sau cha em mất.
Tốt nghiệp năm 2019, Toàn viết vào nguyện vọng tình nguyện được phục vụ, cống hiến ở địa bàn biển, đảo. Theo sự điều động của quân đội, Toàn đảm nhận Chính trị viên phó Đại đội bộ binh hỗn hợp 7 đóng quân ở xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên), sau đó là Chính trị viên Đại đội 5 đóng quân ở địa bàn phường biên giới Mỹ Đức (TP. Hà Tiên). Đến tháng 8-2023, Toàn được điều động làm trợ lý Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị đến nay.
Dù ở vị trí nào, Toàn luôn nhiệt huyết cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Hiện mới về đảm nhận nhiệm vụ mới nên tôi còn chưa quen, đang cố gắng để nắm và hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu”, Toàn cho biết. Với khối lượng công việc khá nhiều, Toàn và các đồng chí trong Ban Tuyên huấn thường xuyên làm đêm để xử lý công việc, Toàn nói: “Anh em luôn cố gắng làm với tinh thần hết việc chứ không hết giờ”.
Là bạn cùng đại học, là đồng đội cùng công tác với Toàn, Thượng úy Huỳnh Văn Trọng - Trợ lý công tác quần chúng Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Toàn là người hiền lành, chịu khó, chăm chỉ học tập và làm việc, có phẩm chất đạo đức tốt. Vừa qua Toàn được hỗ trợ cất nhà đồng đội trong hoạt động hội trại truyền thống thanh niên, phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 9 năm 2024 nhằm giúp đồng chí có căn nhà ổn định và an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
THU OANH
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: