21/06/2023 12:19
Buổi sáng cuối tháng 3-2023, chúng tôi cùng tổ công tác của Đồn Biên phòng Thổ Châu hành quân ra Hòn Nhạn. Cán bộ, chiến sĩ mang vác từ phao cứu sinh, áo phao, súng đạn cho đến cuốc xẻng, cây xanh, nước ngọt… Sau khoảng 20 phút di chuyển bằng ca nô, Đại úy La Minh Nhòa - Đội trưởng Tham mưu hành chính kiêm kế hoạch tổng hợp, Đồn Biên phòng Thổ Châu chỉ huy tổ công tác quay trở lại Bãi Ngự đổi phương tiện. Tàu cá được thay cho ca nô.
Đồng chí Nhòa nói: “Sóng này ca nô không chịu nổi đâu”. Sau gần 1 tiếng đồng hồ cắt sóng, tàu đánh cá chở đoàn công tác cũng thả neo cạnh đảo. Di chuyển xuống thuyền nhỏ, loanh quanh cả chục phút tìm chỗ yên sóng, chúng tôi mới đặt chân lên Hòn Nhạn.
Nhìn từ xa, Hòn Nhạn như khối đá khổng lồ giữa biển. Lên đảo, thấy rõ những phiến đá trắng xếp chồng lên nhau, kẽ đá làm tổ cho chim nhạn kéo về đẻ trứng. Đại úy La Minh Nhòa cho biết: “Tuy là đảo đá, rộng chỉ hơn 2.000m2, nhưng Hòn Nhạn là nơi đặt cột mốc chủ quyền quốc gia, điểm cơ sở A1 dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Nơi đây có vị trí rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Nhận thức đầy đủ điều này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu nâng cao trách nhiệm trong chăm lo, bảo vệ Hòn Nhạn”.
Hòn Nhạn từng là đảo đá trơ trọi, nay có vài chục cây xanh do Đồn Biên phòng Thổ Châu nỗ lực trồng và chăm sóc.
Đồn Biên phòng Thổ Châu thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát nghiệp vụ ở Hòn Nhạn. Cán bộ, chiến sĩ tổ chức thực hiện nghi thức chào cờ dưới chân cột mốc chủ quyền quốc gia để giáo dục và tăng cường lòng tự hào Tổ quốc trong mỗi quân nhân.
Binh nhất Nguyễn Thanh Hải - chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu nói: “Được đơn vị tuyên truyền, giáo dục về vị trí quan trọng của Hòn Nhạn nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến nơi đây, cảm giác tự hào trào dâng khi đứng trước cột mốc chủ quyền và điểm cơ sở A1. Tôi quyết tâm cùng đồng đội tham gia bảo vệ và trồng cây phủ xanh hòn đảo đá này”.
Tổ công tác Đồn Biên phòng Thổ Châu quán triệt về tầm quan trọng của mốc chủ quyền và điểm cơ sở A1 ở Hòn Nhạn.
Trung tá Đoàn Ngọc Giang - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thổ Châu cho biết: “Được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, lãnh đạo Đồn Biên phòng Thổ Châu phát động phong trào phủ xanh Hòn Nhạn. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng vì hòn đảo toàn đá, cách xa nơi đóng quân hơn 5km, nhưng đơn vị luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu đem từng thùng nước ngọt đến Hòn Nhạn để tưới cây xanh.
Sau khi thực hiện nghi lễ chào cờ, tuần tra, tổ công tác bắt tay vào trồng cây, chăm sóc các cây xanh đã được trồng trên đảo trước đó. Đại úy La Minh Nhòa chia sẻ để thực hiện nhiệm vụ phủ xanh Hòn Nhạn, đơn vị lựa chọn các loại cây có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Cán bộ, chiến sĩ tranh thủ từng chuyến tuần tra trên biển để mang từng thùng nước ngọt và đất… chăm sóc cho cây sinh trưởng trên nền đá. Nhờ nỗ lực này, đến nay, toàn đảo có vài chục cây sinh trưởng tốt, lan tỏa màu xanh trên hòn đảo đánh dấu chủ quyền nơi cuối biển Tây của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu trồng và chăm sóc cây xanh ở Hòn Nhạn.
Mỗi lần biết thông tin Đồn Biên phòng Thổ Châu tổ chức tuần tra kết hợp trồng, chăm sóc cây xanh ở Hòn Nhạn, từ đất liền, Đại tá Doãn Đình Tránh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đều điện thoại động viên. Đại tá Doãn Đình Tránh căn dặn: “Tìm cây si, cây sanh bám vào cục đá, việc này cần nhiều thời gian, thậm chí 1-2 năm để cây bám đá. Cố gắng làm là thành công sẽ đến”.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Từ lâu, người dân vùng biên giới TP. Hà Tiên đã quen thuộc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm tuần tra, trực gác; quen với sự vận động, tuyên truyền về chủ quyền, đường biên, cột mốc, phổ biến pháp luật, thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo… Với những việc làm rất đời thường những khi tiếp xúc với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã làm cho nghĩa tình quân dân vùng biên giới Hà Tiên ngày càng thắm thiết, bền chặt.
Tổng số lượt truy cập: