25/01/2024 10:07
Bài 1: Đền ơn đáp nghĩa - trách nhiệm thiêng liêng
Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, góp phần tiếp thêm động lực để các gia đình chính sách và người có công vươn lên, đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương giàu đẹp.
THƯỜNG XUYÊN QUAN TÂM
Những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chúng tôi ghé thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Ngọc Dung, ngụ ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận có chồng và con trai là liệt sĩ. Năm nay gần 90 tuổi nhưng mẹ Dung vẫn minh mẫn. Mẹ sống cùng vợ chồng cháu nội và được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Ngoài ra, mẹ được các cấp, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên giúp mẹ sống vui, sống khỏe.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Ngọc Dung vui mừng khi đại diện lãnh đạo xã Vĩnh Bình Nam (Vĩnh Thuận) thường xuyên đến thăm hỏi.
Mẹ Dung chia sẻ: “Chồng, con mẹ sớm thoát ly theo cách mạng rồi hy sinh. Mẹ được lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết; hàng xóm yêu mến giúp mẹ nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, con. Nỗi đau của mẹ giờ hòa vào niềm vui chung của quê hương, đất nước độc lập, phồn vinh. Mẹ sống vui, sống khỏe bên con cháu”.
Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Văn Đe cho biết: “Huyện Vĩnh Thuận còn hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống là mẹ Trần Ngọc Dung và mẹ Lê Thị Hai, ngụ xã Vĩnh Thuận. Huyện đặc biệt quan tâm chăm lo, phụng dưỡng hai mẹ và coi đó là trách nhiệm thiêng liêng, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các mẹ cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc... Phòng nhắc cán bộ cơ sở thường xuyên thăm hỏi và nắm tình hình đời sống, sức khỏe của các mẹ để kịp thời hỗ trợ, động viên các mẹ khi đau ốm, khó khăn”.
NỖ LỰC CHĂM LO
Khắc ghi lời dạy của Bác về việc chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân, huyện Vĩnh Thuận đẩy mạnh công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách theo quy định; xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; vận động các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng đến cuối đời Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khỏe cho đối tượng chính sách; tu bổ nghĩa trang, xây dựng đền thờ anh hùng, liệt sĩ và người có công; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa...
Đồng chí Huỳnh Minh Hiền (bìa phải) - Huyện ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cùng cán bộ xã Tân Thuận thăm, tặng quà thương binh 3/4 Nguyễn Văn Nghĩa (thứ hai, từ phải qua), ngụ ấp Kinh 1, xã Tân Thuận.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Huỳnh Ngọc Nguyên cho biết: “Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Vĩnh Thuận có nhiều gia đình có từ 2-5 con là liệt sĩ; trong đó có những gia đình tiễn đưa người con duy nhất hoặc người con cuối cùng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; có những gia đình hai thế hệ cùng là bộ đội đánh Pháp, chống Mỹ... Công tác đền ơn đáp nghĩa gắn với an sinh xã hội được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xác định là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần chỉ đạo thực hiện. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, huyện có 793 người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Năm 2023, huyện chi trợ cấp ưu đãi với số tiền trên 18 tỷ đồng; chi trợ cấp một lần trên 3,8 tỷ đồng; xây dựng mới, sửa chữa 90 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách và người có công; vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa trên 420 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể phát động và duy trì nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, điển hình là phong trào nghĩa tình đồng đội…
Huyện thường xuyên rà soát, nắm thông tin các gia đình chính sách, người có công gặp khó khăn để kịp thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho người có công và gia đình chính sách phát triển kinh tế. Đến nay trên địa bàn huyện không còn gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sở - con liệt sĩ, ngụ ấp Cái Nứa, xã Bình Minh được huyện quan tâm, giúp đỡ về nhà ở. Ông Sở cho biết: “Trước kia gia đình tôi sống trong căn nhà cũ xuống cấp. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn là tôi lại sợ nhà sập. Tôi muốn xây lại nhà nhưng kinh tế khó khăn nên chưa làm được… Năm 2023, gia đình tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng xây nhà tình nghĩa. Năm nay gia đình tôi đón tết vui vẻ, ấm áp hơn trong ngôi nhà mới”.
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nguyên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Vĩnh Thuận tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng trong chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, người có công; triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công…
Khi đất nước lâm nguy, có nhiều người mẹ trở thành chiến sĩ, nhiều mẹ không ngại hiểm nguy đào hầm nuôi chứa cán bộ, nhiều người mẹ lái đò đưa chiến sĩ qua sông bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung đối mặt với quân thù và cũng có biết bao mẹ tiễn chồng, con ra trận rồi mỏi mòn chờ đợi… Thấu hiểu nỗi đau của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, huyện Vĩnh Thuận luôn quan tâm phụng dưỡng các mẹ; chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với mong muốn góp phần để các mẹ sống vui, sống khỏe, sống thọ để cùng chứng kiến quê hương Vĩnh Thuận ngày càng đổi thay, phát triển…,
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nguyên nói.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: