12/07/2021 10:08
► Thành tựu xây dựng huyện nông thôn mới của Giồng Riềng - Bài 2: Ra ngõ gặp điển hình |
BƯỚC CHUYỂN TỪ KINH TẾ TẬP THỂ
Đang bón phân cho ruộng lúa hè thu đã 40 ngày sau sạ, anh Nguyễn Văn Hay - thành viên tổ hợp tác sản xuất lúa giống, Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, ấp Hòa An, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) nói: “Nhờ làm lúa cấy mà tôi nhẹ bón phân, nhẹ công chăm sóc, lúa đẻ nhánh khỏe và ít sâu bệnh, chi phí qua từng vụ giảm hơn 30% so làm lúa sạ thường. Lúa giống bán được giá cao hơn lúa thường 1.150 đồng/kg nên người dân phấn khởi”. Đây là vụ lúa thứ 5 anh Hay và 13 hộ cùng sản xuất lúa giống, lợi nhuận tăng gấp đôi so canh tác lúa theo phương pháp sạ tay.
Đây là bước chuyển mình tích cực của Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến trong định hướng sản xuất, kinh doanh sau 6 năm thành lập. Từ chỗ làm riêng lẻ, hiệu quả thấp, người dân tập hợp làm kinh tế tập thể, bơm tát đồng loạt, gieo sạ tập trung đồng nhất từ 1-2 loại giống lúa chất lượng cao, không còn tình trạng mạnh ai nấy làm khiến dịch bệnh khó quản lý, lúa thu hoạch đồng loạt với số lượng lớn giúp doanh nghiệp thuận tiện trong thu mua, từ đó lúa bán được giá hơn.
Theo ông Trần Văn Trung - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, hợp tác xã làm ăn hiệu quả nhờ người dân đồng lòng trong sản xuất, nhưng trước hết phải kể đến sự quan tâm đầu tư gần 1 tỷ đồng cho trạm bơm điện của huyện. Được đầu tư trạm bơm điện, hợp tác xã bơm tát tập trung, giảm chi phí đáng kể so bơm dầu trước đây, giúp đảm bảo thời vụ cho 140ha lúa của các hộ thành viên.
Thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021 ở Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Tiến, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng).
Hiện hợp tác xã đang vận động thành viên chuyển đổi từ sạ thường sang cấy bằng máy nhằm giảm giống, chi phí phân bón, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước tiến tới sản xuất an toàn. Xác định cây lúa là sản phẩm chủ lực, huyện Giồng Riềng có kế hoạch xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tăng năng suất và giá trị, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tổng giá trị sản xuất trên một hecta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt bình quân 115 triệu đồng/năm. Để tiếp tục đưa nông nghiệp phát triển, huyện xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp. Các xã tích cực thực hiện nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp như đổi mới giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản. Đồng thời xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhất là cánh đồng lớn sản xuất liên kết với doanh nghiệp, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện.
Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2020 là 119.062ha, tổng sản lượng 727.695 tấn, chiếm 1/6 tổng sản lượng lương thực cả tỉnh. Tổng lợi nhuận 3 vụ lúa 48,499 triệu đồng/ha. Hiện toàn huyện có 122 hợp tác xã nông nghiệp với tổng diện tích 12.163ha, chiếm 25,87% diện tích đất sản xuất lúa toàn huyện. Nhiều hợp tác xã hoạt động, kinh doanh hiệu quả, tổng doanh thu bình quân hàng năm của hợp tác xã đạt khoảng 450 triệu đồng/năm.
Sản xuất bánh tráng tại Cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng).
Đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết, huyện có hợp tác xã tham gia đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020; có 3 hợp tác xã tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Với sản phẩm chủ lực cây lúa, hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức nhiều hội nghị kêu gọi, giới thiệu doanh nghiệp, công ty để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã. Hàng năm, huyện có 9 hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, quy mô từ 500-6.500ha.
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP
Bất kể ngày thường hay dịp lễ, tết, làng nghề truyền thống bánh tráng Thạnh Hưng, xã Thạnh Hưng lại tất bật sản xuất để kịp cung ứng sản phẩm cho thị trường. Nghề truyền thống bánh tráng Thạnh Hưng được hình thành và phát triển hơn 50 năm nay. Hiện có khoảng 20 hộ dân theo nghề nhưng phát triển thương hiệu và ăn nên làm ra từ nghề truyền thống phải kể đến gia đình anh Nguyễn Như Mạnh. Cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Mạnh trở nên quen thuộc với người tiêu dùng gần xa với thương hiệu bánh tráng Mạnh Tài.
Theo anh Mạnh, năm 2020, sản lượng sản xuất và tiêu thụ tại cơ sở tăng gấp đôi so mọi năm, vì vậy lò tráng bánh của anh luôn đỏ lửa. Mọi công đoạn từ tráng bánh, phơi bánh, xếp bánh đang diễn ra hối hả. Hàng tuần, sản phẩm của cơ sở được xuất đi tiêu thụ tại TP. Rạch Giá và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Cơ sở của anh Mạnh được Sở Công thương hỗ trợ đầu tư hệ thống máy móc, vỉ phơi mới, kinh phí đầu tư hơn 200 triệu đồng, qua đó giúp giảm chi phí nhân công, chất lượng sản phẩm tăng lên. “Cũng thành phần nguyên liệu truyền thống là bột gạo nhưng với máy móc, công nghệ mới bánh được làm ra dai hơn, chất lượng nên được thị trường ưa chuộng hơn. Lương công nhân dần cải thiện”, anh Mạnh cho biết.
Công đoạn phơi bánh tráng tại Cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng).
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, huyện Giồng Riềng thực hiện quyết liệt và xem đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Theo đồng chí Nguyễn Thái Đông, cuối năm 2020, huyện có hai sản phẩm bánh tráng Mạnh Tài và mắm Tám Dô được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, một số sản phẩm có tiềm năng, huyện đang tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP như rượu Hoa Hải Đường ở xã Thạnh Hưng; trà mãng cầu xiêm ở xã Thạnh Hòa, Ngọc Hòa; tiêu hữu cơ tại xã Ngọc Hòa, Hòa Thuận; măng cụt, sầu riêng ở xã Ngọc Hòa và Hòa Thuận; nước mắm cá linh Hương Đồng ở xã Hòa An; mật ong vườn tràm ở xã Thạnh Lộc…
Từ sự đồng thuận của người dân, huyện Giồng Riềng thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công, từ đó diện mạo nông thôn, đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Người dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tham gia mô hình kinh tế tập thể. Đảng bộ huyện xác định mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, tiếp tục giữ vững, nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện.
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chúng tôi ngược lên đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng.
Tổng số lượt truy cập: